Tăng cường quản lý chống thất thu thuế trong hoạt động cho thuê nhà
(Tài chính) Nhu cầu thuê nhà tăng nhanh khiến cho công tác quản lý, kiểm tra của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Một trong những biện pháp để ngăn chặn tình trạng trốn thuế đó là đẩy mạnh việc tuyên truyền, cung cấp những thông tin về chính sách thuế cũng như trách nhiệm nhiệm đóng thuế đến với từng công dân.
Nhu cầu thuê nhà tăng cao
Trong những năm qua, tình trạng người dân ngoại tỉnh đổ về Hà Nội để tìm việc làm ngày càng tăng. Không những vậy, các doanh nghiệp có nhu cầu tìm trụ sở thuê, người nước ngoài đến học tập và làm việc tại Việt Nam nhiều khiến cho nhu cầu thuê nhà tăng cao.
Bên cạnh đó, theo Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản ở Mỹ Đình, hoạt động thuê nhà ở tại các thành phố lớn đang ngày càng “nở rộ” và phát triển nhanh chóng, do tại các thành phố lớn thường có nhiều khu công nghiệp, chế xuất và các trường Đại học, Cao đẳng.
“Có cung ắt sẽ có cầu, song việc buông lỏng quản lý loại hình kinh doanh này đã tạo ra nhiều kẽ hở cho các chủ nhà cho thuê có nhiều chiêu trốn gây thất thu tiền thuế không nhỏ cho nhà nước”, vị này nói.
Nhận định của vị giám đốc này không phải là không có căn cứ, bởi theo thống kê của Công an quận Tây Hồ, trong 5 năm (2008 - 2012), đơn vị này đã phát hiện và lập hồ sơ chuyển 57 trường hợp kinh doanh nhà cho thuê có hành vi khai gian với Chi cục Thuế quận Tây Hồ để trốn thuế. Qua đấu tranh và phát hiện, Chi cục Thuế quận Tây Hồ đã truy thu và phạt số tiền lên tới hơn 2,7 tỷ đồng.
Trong đó, có một số trường hợp điển hình như: Hộ kinh doanh Ngô Văn Tốn (số nhà 20, ngõ 32 Tô Ngọc Vân, phường Quảng An) có hành vi lập 2 hợp đồng để trốn thuế, cơ quan Thuế đã xử lý truy thu và xử phạt 193 triệu đồng; Hộ kinh doanh Nguyễn Thanh Loan (số 4 - D4 Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng) có hành vi không kê khai nộp thuế, cơ quan Thuế đã xử lý truy thu và phạt số tiền lên tới 244 triệu đồng...
Trên địa bàn Hà Nội, theo tìm hiểu của phóng viên, tại các khu nhà trọ có hàng chục phòng cho sinh viên thuê, nhưng đa phần người đi thuê nhà không phải làm hợp đồng với chủ. Quy định giữa chủ nhà với người thuê chỉ thực hiện bằng miệng, thanh toán tiền nhà trả bằng tiền mặt nên các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc kiểm soát doanh thu tiền thuê nhà, khiến việc xác định số thuế mà người chủ cho thuê phải đóng cũng không hề dễ dàng. Với mức giá trên 1 triệu/phòng tháng, không ít chủ nhà thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhưng đóng thuê lại chẳng được bao nhiêu, thậm chí, không ít hộ còn tìm cách "lách" để trốn thuế.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Để ngăn chặn tình trạng trốn thuế trong hoạt động này, thời gian quan, Cục Thuế Hà Nội đã đẩy nhanh việc cung cấp thông tin về tình hình quản lý hộ cho thuê nhà theo địa bàn từng phường để công an các phường rà soát, đối chiếu với công tác quán lý nhân khẩu, tạm trú của cơ quan công an.
Tuy nhiên, ngành Thuế Hà Nội xác định một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền, cung cấp thông tin về chính sách thuế, các văn bản liên quan đến việc quản lý thuế, nghĩa vụ trách nhiệm của người có nhà cho thuê trong việc chấp hành pháp luật về thuế. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp tuyên truyền, động viên người có nhà cho thuê tự giác kê khai, nộp thuế.
Nhiều chuyên gia về thuế cũng khẳng định, việc tuyên truyền đúng, kịp thời sẽ giúp người cho thuê nhà và người đi thuế có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phối hợp, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật thuế, cơ quan thuế cần đồng viên, khen thưởng kịp thời.
Hiện tại, cơ quan thuế đã quản lý triệt để đối với các hộ cho các tổ chức, doanh nghiệp hoặc người nước ngoài thuê nhà. Ngoài ra, công khai mức thuế của các hộ cho thuê nhà trên cùng một địa bàn, giữa các đội thuế trong chi cục thuế, giữa các chi cục thuế để đấu tranh với chủ hộ cho thuê nhà đưa doanh thu tính thuế đúng doanh thu thực tế kinh doanh...
Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp xử lý nghiêm minh và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, nơi cư trú của đối tượng vi phạm để có biện pháp giáo dục, răn đe.