Tăng cường quản lý, hạch toán tài sản công

PV. (t/h)

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường quản lý, hạch toán tài sản công.

Bộ Tài chính cho biết, đối với tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, hiện nay, có một số đơn vị đã được bản giao tài sản đưa vào sử dụng nhưng chưa có Biên bản bàn giao, chưa được bản giao hồ sơ, giá trị tài sản nên chưa thực hiện hạch toán tài sản.

Tại Công văn số 7011/BTC-QLCS, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện công tác đầu tư xây dựng, mua sắm và cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản rà soát việc bản giao, tiếp nhận và hạch toán tài sản, bảo đảm tải sản đã đưa vào sử dụng thì phải được quản lý, hạch toán theo quy định.

Đồng thời, rà soát các trường hợp tiếp nhận tài sản do tổ chức, cá nhân tặng cho, chuyển giao quyền sở hữu nếu thuộc trường hợp phải xác lập quyền sở hữu toàn dân mà chưa được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và xử lý tài sản thì phải thực hiện trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân và xử lý tài sản theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, rà soát việc theo dõi, hạch toán tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện kiểm kê để bảo đảm theo đúng quy định tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023, cụ thể:

Một là, rà soát để báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh ban hành quy định danh mục, thời gian tính hao mòn và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình (trừ thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập) thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 23/2023/TT-BTC; ban hành Danh mục tài sản cố định đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư số 23/2023/TT-BTC.

Hai là, việc tính hao mòn, khấu hao tài sản được thực hiện đối với các tài sản đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023. Đối với các tài sản không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý, theo dõi như công cụ, dụng cụ.

Ba là, xác định “tài sản” để thực hiện hạch toán cho phù hợp, cụ thể: (i) Tài sản sử dụng độc lập được xác định là một tài sản; (ii) Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được thì hệ thống đó được xác định là một tài sản; (ii) Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ, liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và có chức năng hoạt động độc lập, đồng thời đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản riêng lẻ đó được xác định là một tài sản.

"Cần lưu ý rằng, không thực hiện hạch toán tài sản theo lô nhiều tài sản", Công văn của Bộ Tài chính nêu rõ.

Bốn là, trường hợp thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm hạch toán thay đổi nguyên giá của tài sản cố định được nâng cấp, mở rộng theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư số 23/2023/TT-BTC (không hạch toán riêng giá trị sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng thành một tài sản cố định).

Năm là, rà soát nhóm, loại tài sản cố định đang thực hiện hạch toán để áp dụng tỷ lệ hao mòn cho phù hợp.

Sáu là, trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc được Nhà nước cho thuê đất và được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê bằng tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước nhưng chưa thực hiện xác định giá trị quyền sử dụng đất, chưa thực hiện điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 102, Điều 103 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện xác định giá trị quyền sử dụng đất, điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất để hạch toán theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành và hệ số điều chỉnh giá đất do Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành áp dụng cho năm 2023.

Bộ Tài chính cũng đề nghị rà soát việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tài sản bị hư hỏng, không sử dụng được hoặc không còn nhu cầu sử dụng; phát hiện kịp thời các tài sản đang sử dụng nhưng chưa được theo dõi, hạch toán để đưa vào theo dõi, hạch toán theo quy định; thực hiện hạch toán giảm đối với các tài sản đã thực hiện xử lý theo quy định.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, Bộ Tài chính đề nghị rà soát việc giao tài sản kết cấu hạ tầng cho đối tượng quản lý để bảo đảm đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng phù hợp với quy định của pháp luật.

"Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm quản lý, theo dõi tài sản kết cấu hạ tầng được giao theo đúng quy định của pháp luật", Công văn của Bộ Tài chính yêu cầu. Bên cạnh đó, rà soát việc theo dõi, hạch toán tài sản của các đối tượng thực hiện kiểm kê để bảo đảm theo đúng quy định như sau:

Thứ nhất, đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, việc theo dõi, hạch toán tài sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 35/2022/TT-BTC ngày 16/6/2022 của Bộ Tài chính.

Thứ hai, đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải), tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, việc theo dõi, hạch toán tài sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số75/2018/TT-BTC ngày 17/8/2018 của Bộ Tài chính.

Thứ ba, đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, việc theo dõi, hạch toán tài sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 73/2022/TT-BTC ngày 15/12/2022 của Bộ Tài chính.

Thứ tư, trường hợp thực hiện nâng cấp, sửa chữa, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, đối tượng quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm hạch toán thay đổi nguyên giá của tài sản cố định được nâng cấp, sửa chữa, mở rộng theo quy định (không hạch toán riêng giá trị nâng cấp, mở rộng thành một tài sản cố định).

Thứ năm, rà soát tài sản là kết quả của dự án sử dụng vốn nhà nước để bàn giao tài sản cho đối tượng thụ hưởng theo quy định.

 

Trước đó, ngày 01/3/2024,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản cộng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Ngày 05/4/2024,Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 798/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra, Bộ Tài chính đã triển khai thử nghiệm kiểm kê tài sản cộng tại một số bộ, địa phương.