Hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015:
Tăng cường tái cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh trong nước
(Tài chính) Từ năm 2007 đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) đã mang lại động lực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng dường như hoạt động cải cách thể chế, môi trường kinh doanh của nước ta chưa thực sự mạnh mẽ và hiệu quả. Các chuyên gia kỳ vọng, các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ mang lại sức mạnh thực sự cho nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập, đủ lực tồn tại khi gia nhập vào AEC năm 2015.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ nghèo năm 1992 là 58%, đến năm 2013 giảm xuống còn 7,6%; trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 1992 là 8,7%, đến năm 2013 giảm xuống còn 5,3%. Bên cạnh đó, tỷ trọng đầu tư trong GDP và hiệu quả đầu tư tiếp tục giảm trong những năm gần đây. Các chuyên gia đánh giá, tốc độ phát triển kinh tế của nước ta đạt được những kết quả đáng kể thời gian qua chủ yếu do tác động của quá trình cải cách kinh tế.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, cải cách kinh tế chính là hai cánh của một quá trình, gồm tự do hóa thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Có thể thấy, việc gia nhập vào WTO năm 2007, tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ký kết FTAs và việc ban hành các luật liên quan, là những động lực góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, từ năm 2007 đến nay, việc tham gia WTO và FTAs đã mang lại động lực cho tăng trưởng, nhưng dường như nước ta chưa có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế, môi trường kinh doanh trong nước. Chính vì vậy, chưa tạo được những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong quá trình hội nhập; nhất là những cải cách liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đến khu vực tư nhân; nhằm tăng năng suất lao động và sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế thời gian qua chưa thực sự phục hồi do thiếu các động lực mới từ nội tại, còn chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nhiều chính sách cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh đã được ban hành, như Nghị quyết số 15/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, nền kinh tế hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém và đứng trước các khó khăn, thách thức; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Các tổ chức quốc tế đánh giá, năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta hiện xếp ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, đang ở mức trung bình thấp so với các nước trong ASEAN; và, chậm được cải thiện, nhất là về thể chế, về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh. Trong đó, đáng lưu ý là các hạn chế liên quan đến thành lập doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, quyền sở hữu tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Nguyên nhân được cho là, nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhất là đến năm 2015, nước ta sẽ trở thành thành viên của AEC. Bên cạnh đó, chiến lược, chương trình quốc gia và cách tiếp cận hệ thống để nâng cao năng lực cạnh tranh còn thiếu; quá trình tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công và các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại còn chậm, hiệu quả chưa cao. Nguồn lực của nền kinh tế bị phân bổ chưa hợp lý, thậm chí sai lệch, sử dụng kém hiệu quả, nhất là nguồn lực của các DNNN – khu vực có vai trò chi phối mạnh mẽ đối với nền kinh tế.
Để hướng đến AEC năm 2015 và hội nhập sâu rộng hơn nữa, yếu tố cơ bản mà theo các chuyên gia kinh tế là tiếp tục tăng cường hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như quốc gia. Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, tiếp tục thực hiện các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 19 của Chính phủ: lấy mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 làm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Cụ thể, đến hết năm 2015 phải đạt được các tiêu chí: đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp; cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế; hoàn thiện quy định về quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư theo chuẩn mực quốc tế; công khai hóa, minh bạch hóa tình hình hoạt động, tài chính doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế…
Bên cạnh đó, theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, cần thực hiện các giải pháp cải cách, định hướng thị trường mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Cải cách, nâng cao hiệu lực quản trị quốc gia; chú trọng đổi mới vai trò và chức năng của Nhà nước, quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ban hành các chính sách nhằm tháo bỏ các rào cản thể chế, chuyển đổi nhanh, mạnh hơn sang nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại; thu hẹp và triệt tiêu dần các méo mó, sai lệch thị trường, các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận siêu ngạch; định vị lại vai trò của các loại hình doanh nghiệp, nhất là DNNN. Tăng cường chính sách hỗ trợ phát triển các cụm, ngành sản xuất và nâng cấp chuỗi cung ứng.
Về phía doanh nghiệp, áp dụng các khung quản trị doanh nghiệp hiện đại phù hợp với nguyên tắc, hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); thoái vốn khỏi các ngành, nghề không phải là ngành, nghề kinh doanh chính; thực hiện công khai, minh bạch hóa thông tin theo chuẩn mực của các công ty niêm yết, nhất là đối với các DNNN.
Các chuyên gia đều kỳ vọng, các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ mang lại sức mạnh cho nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập, nhất là đủ lực tồn tại khi chúng ta gia nhập vào AEC năm 2015.