Tăng cường vốn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế
Với mục tiêu phục hồi và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng cường đầu tư vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh, qua đó góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đẩy mạnh cho vay
Để thực hiện tốt các nghị quyết của Chính phủ về phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022. Trong đó, giải pháp được NHNN tập trung thực hiện là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Trong những tháng đầu năm nay, NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực này thấp hơn từ 1 - 1,5%/năm so với các lĩnh vực thông thường khác. Ngành Ngân hàng cũng đã triển khai chương trình, chính sách tín dụng (CSTD) đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn trong một số ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình, CSTD theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của NHNN, tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Đặc biệt, các TCTD trên địa bàn đã tập trung đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo sự điều hành của NHNN, nhất là thực hiện các CSTD theo Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; Tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế biển, du lịch, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa theo định hướng của tỉnh.
Trong 6 tháng năm 2022, tổng dư nợ cho vay đạt 35.350 tỷ đồng, tăng 2,1% so với đầu năm và tăng 12,2% so với cùng kỳ. Đồng thời, công tác huy động vốn được đẩy mạnh và vốn huy động đến nay đạt 26.350 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2022 và tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Chia khó cùng doanh nghiệp
Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát chính là các TCTD đã thực hiện việc đồng hành và chia khó cùng doanh nghiệp.
Đặc biệt, NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu đã tích cực chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động rà soát, xem xét, tạo điều kiện cho các khách hàng tiếp cận nguồn vốn, làm việc cùng các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, đánh giá lại các khoản nợ, thực hiện tốt các chính sách, cơ chế tín dụng đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch là 9.234 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 27,04% tổng dư nợ. Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 910 khách hàng bị ảnh hưởng, với giá trị nợ đã cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng 3.413 tỷ đồng. Số dư nợ đã hạ, giảm lãi là 17.637 tỷ tổng; số tiền lãi các TCTD đã hạ, giảm lãi 80,2 tỷ đồng với 32.373 khách hàng; Cũng như tăng cường đầu tư vốn và cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch, với doanh số đến nay đạt 32.789 tỷ đồng.
Hiện nay, các TCTD đang tập trung triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% và hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia gói hỗ trợ này. Đơn cử như Agribank - Chi nhánh Bạc Liêu, sau khi nhận được hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ NHNN đối với những khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Agribank - Chi nhánh Bạc Liêu đã khẩn trương thông báo đến các khách hàng và tổ chức tập huấn trong toàn hệ thống ngân hàng để các khách hàng được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy địa phương tổ chức thông báo, công khai minh bạch đối tượng, điều kiện hỗ trợ lãi suất đến từng khách hàng, nhằm giúp khách được tiếp cận vốn vay với thủ tục được đơn giản hóa…
Tất cả những việc làm tích cực của các TCTD đã góp phần quan trọng vào giữ vững tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm và tạo nên những tiền đề, động lực cho hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022.
Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu - Lê Văn Măng cho biết: Không đặt thêm thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận vốn ngân hàng
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế và góp phần cho sự phát triển của tỉnh, NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu yêu cầu các TCTD tập trung triển khai thực hiện tốt Thông tư 03/2022/TT-NHNN về việc hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; Chủ động cân đối vốn để sẵn sàng đầu tư các dự án hiệu quả, tiếp tục tập trung nguồn vốn để cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay kích cầu tiêu dùng và phục vụ đời sống…
Về kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bất động sản: NHNN yêu cầu các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN lưu ý kiểm soát chặt chẽ đối với những dự án lớn, phân khúc cao cấp như xây dựng resort nghỉ dưỡng, những nhu cầu vốn có tính chất đầu cơ, đấu giá bất động sản, đầu tư trái phiếu…
Đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo quy định; Nhất là tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua nhà, đầu tư nhà ở tự sử dụng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.
Các ngân hàng thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết; Hướng dẫn cụ thể và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về quy trình thủ tục, dịch vụ thanh toán của ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi giao dịch với ngân hàng.
Tiếp tục duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất và những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn (chỉ đạo các TCTD xử lý kịp thời khi có kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp).
Yêu cầu các ngân hàng thương mại thẩm định, xử lý nhanh các nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, trên cơ sở bộ thủ tục cho vay theo quy định của Hội sở chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa… theo yêu cầu của NHNN. Các chi nhánh ngân hàng thương mại không đặt thêm thủ tục, giấy tờ nào khác gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.