Tăng giá điện liệu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng?

Đức Mạnh

Từ ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Với việc điều chỉnh giá bán lẻ điện, các chuyên gia cho rằng sẽ không tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Với mức tăng giá bán lẻ điện 3%, ngành Điện sẽ tăng thu thêm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Với mức tăng giá bán lẻ điện 3%, ngành Điện sẽ tăng thu thêm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2023.

Căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Văn bản số 304/BCT-ĐTĐL của Bộ Công Thương, EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, từ ngày 4/5/2023, EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tức là tăng thêm hơn 55,9 đồng/kwh (tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành), sau 4 năm không được điều chỉnh kể từ lần gần nhất là hồi tháng 3/2019.

Đại diện EVN cho hay, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 từ Bộ Công Thương cho thấy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294 tỷ đồng.

Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, với mức tăng giá bán lẻ điện 3%, ngành Điện sẽ tăng thu thêm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2023. Mức tăng này không tác động nhiều đến CPI và đời sống người dân.

Tuy nhiên, điện được dùng trong hầu hết hoạt động của nền kinh tế, vì vậy tăng giá điện được nhận định sẽ làm tăng chi phí sản xuất và giảm chi tiêu dùng của hộ gia đình. Do đó, mức điều chỉnh 3% này đặt ra câu hỏi lớn về tác động đến CPI, đặc biệt là khi thị trường nước ta thường xảy ra hiện tượng “té nước theo mưa”, đẩy các chi phí liên quan cũng tăng lên.

Đối với tác động đến CPI, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng, mức điều chỉnh này lá khá thấp so với chi phí sản xuất điện. Giá điện tăng 3% thì tác động làm tăng CPI  trực tiếp vòng 1 là 0,099%, tác động lan tỏa vòng 2 là 0,18%. Nếu xem xét tác động đến giá thành sản phẩm của những ngành sử dụng nhiều điện thì ngành Thép sẽ tăng 0,18%, Xi măng 0,45%... Tuy nhiên, mức tăng thực tế có như vậy hay không, cao hay thấp hơn còn tùy thuộc vào sự chấp nhận của thị trường, của cung cầu và hiệu quả của các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh.

“Mức tăng bình quân 3% tuy không lớn, nhưng vẫn ảnh hướng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân khi mùa nắng nóng đã tới”, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa chia sẻ.

Để ngăn chặn từ sớm hiện tượng “té nước theo mưa” như dư luận đang lo ngại, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho hay, Nhà nước cần phải có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngành Điện trong bối cảnh tình hình tài chính của Ngành này dù có điều chỉnh 3% vẫn còn rất khó khăn.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, phải yêu cầu tất cả những doanh nghiệp phải đăng ký giá, những doanh nghiệp nhà nước còn định giá, doanh nghiệp phải kê khai giá, báo cáo chi tiết giá thành sản xuất, kinh doanh khi điều chỉnh giá điện tăng 3%. Như vậy, để tránh tình trạng  lợi dụng tăng giá điện để tạo hiệu ứng tăng giá các mặt hàng một cách thiếu kiểm soát, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, gây áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Trong điều kiện nguồn cung điện hiện nay còn hạn chế, yêu cầu toàn xã hội, các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm là một yêu cầu bắt buộc, phải được thực hiện nghiêm túc và lâu dài, điều này không chỉ làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của việc dùng điện mà còn làm tăng hiệu quả chung của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an toàn cho hệ thống truyền tải điện Việt Nam”, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% vẫn đang thực hiện được, trong tầm kiểm soát theo đúng lộ trình nên ảnh hưởng từ tăng giá điện là không đáng lo, dù một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện sẽ bị ảnh hưởng.

“Vào tháng 7 tới, cùng với việc thực hiện tăng lương cơ sở thì việc tăng giá điện có thể có tác động, nhưng thị trường vẫn chỉ số lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường hiện nay không lớn”, TS. Nguyễn Đức Độ nêu.