Tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất ở khu vực kinh tế tập thể


Năm 2022, Việt Nam có 19.384 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chiếm 68,8% tổng số HTX cả nước. Phần lớn HTX nông nghiệp này hoạt động mạnh mẽ trong các lĩnh vực trồng trọt và chế biến. Trước những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chương trình chuyển đổi số quốc gia, một phần khu vực kinh tế tập thể đã có thích ứng, thay đổi linh hoạt trong tổ chức sản xuất, phân phối tiêu thụ và xây dựng thương hiệu.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở các HTX là động lực, giải pháp tái cơ cấu nền nông nghiệp bền vững. Ảnh: ITN
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở các HTX là động lực, giải pháp tái cơ cấu nền nông nghiệp bền vững. Ảnh: ITN

Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa

Kinh tế tập thể là khu vực hưởng ưu đãi chính sách giao thoa giữa nhiều chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó phải kể đến như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Ngoài ra, còn các nghị quyết, đề án, dự thảo đã và đang được xây dựng, triển khai nhằm bồi đắp một lực lượng vững mạnh, đóng góp lớn cho sự ổn định của kinh tế - an sinh xã hội.

Dù nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các quyết sách, song khu vực kinh tế tập thể, cụ thể là các HTX, tổ liên kết sản xuất chưa phát huy được hết tiềm năng thế mạnh đang có. Vẫn còn một lượng lớn các HTX hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quy trình sản xuất, tiêu thụ bền vững. Phần khác, nhiều HTX mở ra chỉ nhằm mục đích trục lợi chính sách do vậy tính hiệu quả không cao, kéo theo những hệ lụy về lỗ hổng chính sách, gây bất lợi cho các HTX hoạt động tốt tiếp cận với các chính sách hỗ trợ nguyên liệu sản xuất, kết nối giao thương.

Nằm trong xu thế chuyển đổi số, nhiều HTX nông nghiệp đã nhanh chóng bước ra khỏi vùng an toàn, mạnh dạn áp dung công nghệ mới, cơ giới hóa trong sản xuất với tâm thế hoặc là thay đổi hoặc là chết. Nhờ sự quyết đoán đó, nhiều vùng quê đã được thay da đổi thịt, hình thành nên các vùng nguyên liệu tập trung, cánh đồng mẫu lớn, tạo động lực và niềm tin cho doanh nghiệp chế biến tiếp cận các vùng nguyên liệu bền vững này.

Điển hình như Đồng Nai với khoảng 270.000 ha diện tích sản xuất, ngành trồng trọt đã hình thành 300 vùng sản xuất tập trung, với một số cây lâu năm có diện tích lớn như: cao su 44.000 ha, điều 30.000 ha, hồ tiêu 12.000 ha, cà phê 7.000 ha, chuối 13.000 ha, xoài 12.000 ha, bưởi 10.300 ha, chôm chôm 9.100 ha, sầu riêng 11.000 ha, mít 9.000 ha, tổng đàn heo 2,1 triệu con và gà 23 triệu con, chăn nuôi trang trại chiếm 90% tổng đàn. Quy mô sản xuất nông nghiệp lớn thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất.

Cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến nay đã đạt được kết quả: 100% khâu làm đất khâu tưới, tiêu đã được cơ giới; 90.000 ha cây ăn trái, cây công nghiệp, rau màu áp dụng hệ thống tưới tiên tiến kết hợp bón phân, một số diện tích được điều khiển tưới tự động theo chương trình; khâu thu hoạch 100% diện tích gieo trồng lúa, bắp, đã sử dụng máy gặt đập liên hợp, tách hạt, băm cây; hệ thống làm mát chuồng đạt 50%; có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; có 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong việc điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi, cung cấp thức ăn, nước uống thu gom chất thải, thu trứng; gần 90 % trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo cam kết bảo vệ môi trường.

Nhiều chương trình hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được triển khai hiệu quả. Cụ thể như chương trình phát triển kinh tế trang trại đã thực hiện hỗ trợ 98 mô hình với kinh phí hỗ trợ 2,85 tỷ đồng, chương trình xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp, hỗ trợ mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản nông sản cho 43 HTX nông nghiệp với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, chương trình khuyến công đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị áp dụng trong sản xuất cho 10 cơ sở công nghiệp nông thôn với kinh phí 2,75 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân, trang trại đã có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất; phát triển dịch vụ cơ giới nông nghiệp.

Ông Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để cơ giới hóa đáp ứng được nhu cầu thực tế sản xuất trong thời gian tới, các sở ngành và địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, hướng dẫn cho nông dân hình thành, triển khai thực hiện tổ dịch vụ để thực hiện tốt máy cơ giới hóa nông nghiệp. Phát triển xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đi theo hình thức phát triển kinh tế tuần hoàn; khuyến khích nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và nông dân tích cực nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới vào sản xuất.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ

Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của TP. Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với UBND các huyện, thị xã tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Đến nay, toàn TP. Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố.

Hơn 3.000 cơ sở là HTX, cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản tại Hà Nội đã được hướng dẫn và cung cấp tài khoản truy xuất nguồn gốc. Ảnh: ITN
Hơn 3.000 cơ sở là HTX, cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản tại Hà Nội đã được hướng dẫn và cung cấp tài khoản truy xuất nguồn gốc. Ảnh: ITN

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao tập trung nhiều tại các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng, với một số doanh nghiệp, HTX tiêu biểu như Công ty Đại Thành, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Ba Vì, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn và HTX Hữu cơ Đồng Phú huyện Chương Mỹ; HTX Hoàng Long huyện Thanh Oai, HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết; đặc biệt là các trang trại, gia trại hoa cây cảnh, nuôi trồng hoa lan, nuôi cấy mô và lan VAR…

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, sản xuất, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản. Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm TP. Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống quản lý cho 3.430 cơ sở là hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm thủy sản; đã cấp 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên Hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cho đối tượng là chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh.

Điển hình như HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã áp dụng các giải pháp đồng bộ như: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu.

Ông Hoàng Văn Thám - Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn cho biết, từ năm 2016, HTX đã tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực là Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và Cụm công nghệ eGap. Thông qua trạm thời tiết thông minh iMentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành, từ đây, người phụ trách dễ dàng cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem, nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa, độ ẩm của đất…, giúp người quản lý nắm bắt được tình hình sâu bệnh cũng như sinh trưởng để có kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết có biến động.

Còn công nghệ số eGap giúp HTX thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau. Việc áp dụng hệ thống nhập dữ liệu trên các phần mềm sẽ thuận tiện cho quá trình kiểm soát thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR, mã vạch và minh bạch thông tin với người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản có sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain); thử nghiệm, chuyển giao, áp dụng các mô hình, giải pháp nông nghiệp số phù hợp điều kiện của Hà Nội. Cùng với đó, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn và đào tạo kiến thức, kỹ năng cho nông dân, hướng dẫn nông dân sử dụng dịch vụ số của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn