Nông dân và Hợp tác xã gặp khó trong sản xuất

Theo Đặng Duẩn/ Báo Cà Mau

Nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất những tháng cuối năm, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến điều kiện hoạt động sản xuất mà còn cả đầu ra sản phẩm. Mặc dù đây là yếu tố khách quan, tuy nhiên, nó cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong tổ chức hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các HTX cần hỗ trợ nhiều hơn trong tìm đầu ra sản phẩm, kết nối thị trường. Ảnh: Đặng Duẩn
Các HTX cần hỗ trợ nhiều hơn trong tìm đầu ra sản phẩm, kết nối thị trường. Ảnh: Đặng Duẩn

Khó khăn chồng chất 

Còn khoảng hơn nửa tháng nữa sẽ bắt đầu vào thu hoạch rộ vụ lúa - tôm, nhưng cho đến nay, HTX Dịch vụ thuỷ sản Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau) vẫn đang chật vật tìm đầu ra. Ðó là chưa kể đến tình hình thu hoạch cũng gặp khó, khi nhân công thiếu và phải thuê với giá cao, giá dầu tăng… làm đội chi phí.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch HÐQT HTX Dịch vụ thuỷ sản Ông Muộn, cho biết: “Tình hình thu mua và tiêu thụ sản phẩm lúa của HTX cuối năm sẽ tiếp tục khó khăn. Mọi năm đến giai đoạn này đã có nhiều doanh nghiệp đặt cọc thu mua sản phẩm, nhưng hiện nay chưa thấy động tĩnh gì. Chi phí sản xuất lại tăng cao so với mọi năm, cho nên có thể biết, lợi nhuận của người dân, xã viên trồng lúa sẽ không cao”.

Thực tế, chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp: trồng lúa, nuôi tôm của bà con năm nay đã tác động không nhỏ làm giảm lợi nhuận, mặc dù giá đầu ra sản phẩm tương đối ổn định.

Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Chi phí phân bón tăng từ 50% trở lên, đơn cử như giá phân đạm trước chỉ từ 370.000 đồng thì nay lên gần 1 triệu đồng, thậm chí 1,4 triệu đồng tuỳ loại. Giá lúa ST khảo sát vào khoảng 7.500-8.000 đồng, nhưng giá đầu vào như thế sẽ không có lời, chưa kể chi phí thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển”.

Cũng vào vụ thu hoạch cuối năm của vụ lúa - tôm càng xanh trên địa bàn huyện Thới Bình, trong khi nhiều nơi giá tôm sụt giảm thì riêng xã Biển Bạch Ðông tình hình đầu ra và giá cả lại ổn định hơn.

Ông Nguyễn Phi Thoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Ðông, cho biết: “Vụ tôm càng xanh năm nay của xã đang vào thu hoạch, năng suất và giá đều ổn định. Một phần nguyên nhân giá tôm càng xanh của bà con trong xã ổn định là do bà con thu hoạch đúng lứa, thương lái đến thu mua cũng thuận lợi. Nguyên nhân khác có thể là do tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn xã không phức tạp như một số địa phương khác, do đó các hoạt động giao thương cũng thuận lợi hơn. Các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn mặc dù bị ảnh hưởng do tình hình chung của dịch bệnh, nhưng sản xuất ổn, xã viên vẫn có lãi. Ðây là tín hiệu mừng cho kinh tế - xã hội của địa phương những tháng cuối năm”.

Tuy nhiên, hiện nay ngoài nội lực một số HTX còn yếu, công tác quản lý, hỗ trợ của ngành chức năng lại chưa thực sự hiệu quả. Một số HTX được đánh giá là có tiềm lực, hoạt động hiệu quả vẫn luôn kêu khó khi tiếp cận với các chính sách hỗ trợ.

Lỗ hổng lộ diện

Những HTX có thương hiệu nổi tiếng không chỉ bị ảnh hưởng về giá trị đầu ra sản phẩm mà tình hình giả, nhái sản phẩm còn gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và uy tín sản phẩm.

Ông Lê Quốc Việt - Chủ tịch HÐQT, Giám đốc HTX G.V.H.B cua biển Năm Căn, cho rằng: “Thực tế cua thương hiệu của Năm Căn hiện không còn nhiều sản phẩm, do tình hình dịch bệnh, cua bị chết nhiều, người nuôi không có sản phẩm. Cộng với đó, do dịch COVID-19 nên việc đi lại khó khăn, thương lái ép giá. Hiện nay không thể nói được giá sàn chung, bởi thương lái đến mua với nhiều mức giá khác nhau mà người dân phải chịu”.

Thực tế khó khăn là vậy, thế nhưng vấn đề nhức nhối gây bức xúc là trên thị trường lại có rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu cua Năm Căn được bán, trong khi người trực tiếp sản xuất thì kêu không có sản phẩm!

Ông Lê Quốc Việt bức xúc: “Từ khi dịch bệnh, hơn một năm nay, sản phẩm cua thương hiệu Năm Căn có lúc không có, bởi cua chết, chỉ mới nuôi được và có sản phẩm mấy tháng trở lại đây, nhưng số lượng không đáng kể, chủ yếu nhỏ lẻ. Nhưng đáng nói là trên thị trường lúc nào cũng có sản phẩm cua thương hiệu Năm Căn, như vậy ngành chức năng quản lý vấn đề này như thế nào? Nhiều khách hàng từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, 2 thị trường lớn của cua Năm Căn liên tục gọi điện hỏi nguồn thì chúng tôi không có để cung cấp, trong khi cua bán lẻ lấy tên cua Năm Căn bán tràn lan. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng cần sớm vào cuộc để quản lý, xử lý tình trạng này nhằm bảo vệ quyền lợi, uy tín sản phẩm cua Năm Căn. Ðây cũng là thương hiệu sản phẩm uy tín của cả tỉnh, được nhiều nơi công nhận chất lượng”.

Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Sản phẩm nông nghiệp do nông dân, HTX làm ra luôn đối diện với thực trạng “được mùa - mất giá”. Nguyên nhân chủ yếu là không kết nối được đầu ra ổn định. Không chỉ vậy, quản lý và xử lý vi phạm bản quyền của cá nhân các HTX và ngành chức năng đang là vấn đề lớn. Trong tình hình hiện nay, mọi khó khăn có thể được quy cho yếu tố khách quan của tình hình dịch COVID-19, nhưng qua đó cho thấy rõ ràng thực trạng tồn tại mà ngành chức năng cần sớm có giải pháp khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Toàn nhận xét: “Ngành chức năng còn nhiều việc phải làm, do phải chống dịch, họ không phải không quan tâm, cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm, chứ không phải không nhớ đến mình. Những vướng mắc gặp phải thì HTX cũng đã phản ánh, như tiếp cận nguồn vốn khó, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm… nhưng rồi chờ thôi. Hiện HTX phải nỗ lực vượt qua khó khăn này, tuy nhiên, nếu tình hình này kéo dài thì sắp tới muốn mở rộng, kết nạp thêm thành viên vào HTX sẽ vô cùng khó khăn”.

Một thực tế là nhiều chính sách hỗ trợ HTX thực hiện chưa thực sự hiệu quả, các HTX cũng rất khó tiếp cận. Luật HTX năm 2012, Nghị định số 193/2013 quy định 11 chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX, nhưng thực tế các chính sách này chưa thực sự hiệu quả.

Các chính sách hỗ trợ HTX chủ yếu được lồng ghép trong các chính sách chung. Một số chính sách riêng cho HTX (chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý HTX; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp...) không có nguồn vốn, phải lồng ghép trong các chương trình khác. Vì vậy, số lượng HTX được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Trong khi đó, đa số các HTX có vốn ít, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết. Khả năng huy động vốn của các hộ thành viên rất hạn chế, khó vay vốn trung hạn, dài hạn từ ngân hàng.

Trước mắt hiện nay là làm thế nào tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, nhất là HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Hỗ trợ tốt việc kết nối, tìm đầu ra sản phẩm, đảm bảo nông dân sản xuất có lãi. Về lâu dài cần có giải pháp giúp các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ, vốn vay.

Ðặc biệt, việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX tham gia có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh để nâng cao năng lực hoạt động, năng lực cạnh tranh, tiếp cận khoa học và công nghệ… cần phải thiết thực và hiệu quả hơn.