Hướng đi hiệu quả của các hợp tác xã tỉnh Đắk Nông
Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã liên kết nông hộ, hình thành vùng nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Nhiều sản phẩm của các HTX đã trở thành tiêu biểu, chủ lực, khẳng định được vị thế trên thị trường.
Năm 2007, ông Vũ Văn Nghĩa, thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành (Krông Nô), bắt đầu trồng xen cây ca cao vào rẫy cà phê. Điều này giúp ông tận dụng quỹ đất, tăng thêm thu nhập.
Thấy hiệu quả kinh tế cao từ cách làm này, ông Nghĩa đã mở rộng quy mô trồng ca cao. Ông vận động các hộ dân trong vùng chuyển đổi cây trồng để trồng cây ca cao.
Năm 2009, ông Nghĩa đứng ra vận động, thành lập HTX Nông nghiệp Krông Nô, quy tụ các hộ cùng sản xuất ca cao trên địa bàn. Từ đó, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất ca cao với 120 ha.
HTX đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn thành viên, hộ liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn. Sau hơn 3 năm, quy trình sản xuất của HTX đã đạt tiêu chuẩn Fair Trade (Thương mại Công Bằng thế giới). Điều này giúp sản phẩm của HTX đủ điều kiện tham gia chuỗi thị trường Fair Trade.
Có vùng nguyên liệu tốt, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ chế biến. Đến nay, HTX đã có máy rang, máy xay, máy nghiền, cụm máy làm nguội, máy đập vỡ hạt, máy phân loại vỏ và nhân, máy ép bơ phục vụ chế biến ca cao…
Ông Vũ Văn Nghĩa - Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô cho biết, nhờ phát triển sản xuất theo hướng bền vững, có đầu tư công nghệ phục vụ chế biến, nên sản phẩm ca cao của HTX đang từng bước được nâng cao giá trị.
Tương tự, tháng 1/2018, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức) được thành lập, với 35 thành viên sản xuất mắc ca. HTX đã liên kết nông hộ để sản xuất mắc ca theo một quy trình hữu cơ, sinh học.
Đến nay, HTX đã hình thành vùng nguyên liệu gần 100 ha mắc ca. Nhờ có vùng nguyên liệu tốt, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, từ đó nâng cao giá trị sản xuất.
Đến nay, các sản phẩm của HTX đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, có mã QR – code. Sản phẩm "Mắc ca M’nông" của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao và ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có hơn 150 HTX nông nghiệp. Theo ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, các HTX đã có hướng đi đúng, hiệu quả, đóng góp ngày càng nhiều sản phẩm đặc trưng, có chất lượng cao.
Hầu hết các HTX đều hướng tới mục tiêu tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn, đạt các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt để kết nối với thị trường tiêu thụ. Nhiều HTX mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ chế biến sản phẩm trên vùng nguyên liệu của mình.
Điều này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn thể hiện cách làm mới có hiệu quả của các HTX. "Các HTX đang thể hiện vị trí "đầu tàu" trong việc thay đổi cách thức sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao", ông Thám chia sẻ.
Trong số 36 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên, có 12 sản phẩm của các HTX. Ðó là các sản phẩm: mắc ca M’nông; cà phê bột Ðắk Ðam; cà phê phin giấy, cà phê rang xay của HTX Phát triển nông nghiệp Công Bằng Thành Thái; Cà phê bột Tin True Coffee; gạo ST24 Krông Nô của HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh; tiêu đỏ kiền kiền của HTX Nông nghiệp Nguyễn Công; cà phê bột FOT 48 Coffee; gạo Buôn Choáh của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh; cà phê bột rừng lạnh của HTX nông nghiệp Ðoàn Kết; sầu riêng tươi của HTX Nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ Hòa Phát Ðắk Song; tiêu khô hữu cơ của HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên.