“Vực dậy” hợp tác xã sản xuất nông nghiệp
Hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, THT) là loại hình kinh tế tập thể (KTTT). Trong các năm qua, loại hình này ở lĩnh vực nông nghiệp được ngành nông nghiệp rất quan tâm phát triển, nhằm tập hợp các hộ nông dân liên kết lại với nhau sản xuất, tạo ra sản phẩm nông, lâm, thủy sản có số lượng lớn, cùng chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của công ty, doanh nghiệp trong khâu kết nối tiêu thụ trong nước và phục vụ thị trường xuất khẩu.
Lợi ích của người dân khi tham gia là họ được học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình sản xuất, tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về trồng trọt, chăn nuôi, được hỗ trợ xây dựng nhà kho, trang thiết bị sản xuất lúa, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi…
Hoạt động của kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp
Theo thống kê, toàn tỉnh Sóc Trăng có 199 HTX nông nghiệp, trong đó các HTX sản xuất lúa, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản và màu tổng hợp, với tổng số 10.039 thành viên, vốn điều lệ hơn 65,6 tỉ đồng; có 1 Liên hiệp HTX Artemia. Về THT nông nghiệp có tổng số 1.215 tổ, số vốn điều lệ gần 11,3 tỉ đồng.
Qua số lượng HTX, THT như trên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy rằng, lĩnh vực KTTT trong các năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, bởi theo đánh giá phân loại HTX trong năm 2020 thì số HTX được phân loại tốt trên 8,2%, loại khá hơn 27,8%. Bên cạnh những thành quả HTX hoạt động tốt trong khâu sản xuất, liên kết, tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên thì còn nhiều HTX lĩnh vực nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, bởi nhiều nguyên nhân.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Hạp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng chia sẻ: “Loại hình KTTT được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng quan tâm và UBND các huyện, thị xã, thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi để ngành chuyên môn hỗ trợ các địa phương thành lập phát triển HTX, THT.
Tuy nhiên, qua thực tế, sau khi thành lập và HTX đi vào hoạt động, một số địa phương ít quan tâm đến chất lượng hoạt động HTX và chỉ xem việc thành lập HTX nhằm đạt tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh đó, một số HTX ban quản trị còn yếu về chuyên môn, quy mô diện tích sản xuất nhỏ, việc đồng lòng thống nhất trong thành viên chưa cao, nhất là khi tiến hành khâu liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp về đầu ra sản phẩm”.
Còn theo đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi trưởng Chi cục Thủy sản, HTX lĩnh vực thủy sản hoạt động hiệu quả là nhờ sự lãnh đạo của người đứng đầu HTX. Thời gian qua, còn một số HTX hoạt động chưa đạt hiệu quả là do, khi thấy HTX hoạt động tốt thì địa phương đưa thêm thành viên vào, trong khi đó, các thành viên mới chưa có sự thống nhất cao về mục tiêu và lợi ích chung của HTX. Vì thế, đối với HTX thủy sản do tính đặc thù nên chất lượng thành viên tham gia là rất quan trọng, cần phải quan tâm đến chất lượng của các thành viên tham gia hơn là số lượng…
Giải pháp “vực dậy” HTX nông nghiệp
Ông Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho rằng, giám đốc HTX đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng sản xuất, đánh giá thị trường, đặc biệt là tư duy của họ cần phải thay đổi về phương thức sản xuất, để việc sản xuất ra hàng hóa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng cần. Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp địa phương tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho ban quản trị HTX, kể cả thực hiện việc củng cố, giải thể các HTX hoạt động không hiệu quả, để thành lập HTX mới hoạt động tốt hơn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, Huỳnh Ngọc Nhã nhìn nhận, KTTT góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng nên việc sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ thì cần phải tập hợp lại để sản xuất tập trung.
Do vậy, để KTTT phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi tư duy cả hệ thống HTX nông nghiệp từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp và tập trung hỗ trợ HTX xây dựng chuỗi đầu vào, đầu ra. Tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về KTTT thông qua mô hình cụ thể, thực chất để người dân thấy về hiệu quả của KTTT; tổ chức lại HTX và thành viên tham gia HTX; đưa cán bộ trẻ về HTX; triển khai kịp thời các chính sách của cấp trên dành cho HTX; kêu gọi doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho các HTX. Riêng với giám đốc các HTX cần thay đổi tư duy - không chỉ sản xuất mà cần có tư duy kinh doanh…