Tăng lương tối thiểu vùng: Cân nhắc lợi ích và tác động
Ðề xuất tăng lương tối thiểu (LTT) vùng cho năm 2019 đang được đưa ra bàn thảo, làm bùng lên tranh luận giữa đại diện giới chủ và người lao động. Trong khi đại diện người lao động yêu cầu phải tăng lương tối thiểu để bảo đảm cuộc sống thì các doanh nghiệp liên tục than khó khăn.
Tại phiên họp thứ nhất vừa qua, đại diện người lao động (NLÐ) - ông Mai Ðức Chính, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam (LÐLÐVN), đưa ra đề xuất tăng 8% (tăng 220.000 - 330.000 đồng). Lý giải căn cứ để đưa ra mức đề xuất này, ông Chính cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2018 có nhiều thuận lợi, GDP tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong 7 năm qua; CPI tăng 4%; năng suất lao động tăng hơn 5%... Cuộc sống của công nhân lao động hiện khá vất vả, tiền thuê nhà trọ đã khoảng 800.000 - một triệu đồng/tháng, tiền điện nước khoảng 500.000 - 600.000 đồng, chưa kể các khoản tiền ăn, tiền học của con cái…
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (đại diện giới chủ sử dụng LÐ) không đồng tình với mức tăng trên. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng không nên tăng lương tối thiểu trong năm 2019. Ông cho biết, tại các buổi làm việc với các DN trong và ngoài nước thời gian vừa qua, các hiệp hội DN đều kiến nghị chưa nên điều chỉnh mức lương trong thời gian tới để tạo điều kiện cho DN bồi dưỡng, nâng cao năng lực chi trả cũng như dùng các kinh phí nếu có để thu xếp lương cho việc đào tạo năng lực, tay nghề cho NLÐ, đáp ứng yêu cầu công việc.
Không đồng tình với ý kiến của VCCI, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cảnh báo, Nghị quyết T.Ư 7 đã xác định: năm 2020 sẽ kết thúc thương lượng tăng lương tối thiểu vùng, nên nếu để sang năm 2020 mới tăng thì mức tăng sẽ rất cao. Theo ông Vũ Quang Thọ, khảo sát 150 DN ở cả bốn vùng lương với hơn 3.000 phiếu của Tổng LÐLÐVN trong năm 2018 cho thấy, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN hiện có nhiều khởi sắc, tăng trưởng cao, số lượng DN được thành lập mới nhiều hơn số DN giải thể, phá sản. Ðây là tín hiệu tình hình kinh tế khả quan. Nhìn tổng thể, hiện mức lương của công nhân lao động đã được cải thiện hơn so với năm 2016, nhưng số công nhân lao động có mức lương không đủ chi tiêu do áp lực cuộc sống cũng tăng lên. Ðây là đối tượng lao động mà Tổng LÐLÐVN mong muốn đời sống của họ phải được cải thiện nhiều hơn cả.
Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã đưa ra đề xuất mức tăng là 5,3% nhằm dung hòa để phía chủ sử dụng lao động và NLÐ cùng tham khảo. Theo ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, tính toán này dựa vào nhu cầu lương thực thực phẩm của NLÐ, chỉ số giá tiêu dùng. Ông Doãn Mậu Diệp cho biết, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, tinh thần cải cách tiền lương tiến tới Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của DN. Từ đó, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Từ nay đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu. Tiếp đó, nhấn mạnh tiền lương tối thiểu hướng tới nhóm lao động có tiền lương thấp nhất trên thị trường.
Trong bối cảnh chất lượng nhân lực của chúng ta còn thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chi phí thủ tục hành chính còn cao, việc tăng lương tối thiểu với quy mô vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế sẽ có thể tác động làm giảm đáng kể số lượng việc làm được tạo ra. Cân nhắc sao cho tăng lương không làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, để có thể hướng tới mục tiêu dài hạn là kinh tế phát triển mạnh, tạo việc làm nhiều hơn, qua đó có điều kiện tăng lương từ thực lực doanh nghiệp. Ðây quả thực vẫn là bài toán khó đối với các ngành chức năng. Dự kiến ít nhất phải hai phiên họp nữa mới có thể chốt mức tăng LTT vùng năm 2019 để trình Thủ tướng xem xét quyết định.