Thái Nguyên:
Tăng mạnh số cơ sở công nghệ thông tin hưởng chính sách khuyến công
Tác động tích cực của chính sách khuyến công với sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thái Nguyên rõ nét sau nhiều năm triển khai.
Ấn tượng từ những con số
Theo số liệu từ Sở Công Thương Thái Nguyên, sau 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công yếu tố tích cực đầu tiên phải kể đến là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách trong lĩnh vực này được xây dựng, điều chỉnh sát với thực tiễn. Từ đó có sơ sở cho các đơn vị chức năng triển khai thuận lợi và hiệu quả công tác khuyến công.
Về con số cụ thể, theo thống kê giai đoạn từ năm 2012-2022, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện được trên 300 đề án khuyến công quốc gia và địa phương, hỗ trợ cho 350 cơ sở công nghiệp nông thôn, trong đó có 90 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 67 cơ sở, 7 tổ hợp tác, 186 hộ kinh doanh, hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ kinh phí khuyến công thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.
10 năm qua, công tác khuyến công ngày một đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu thực tế của cơ sở sản xuất. Góp sức đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại khu vực nông thôn.
Riêng Nghị định số 45/2012/NĐ-CP với hướng dẫn cụ thể của Bộ Công Thương, kết hợp cùng Quy chế khuyến công của địa phương đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác khuyến công hoạt động hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong đó nguồn kinh phí khuyến công đã tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm mà tỉnh có lợi thế về vùng nguyên liệu, tập trung hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao, đổi mới dây chuyền thiết bị sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Các đề án khuyến công từng bước tổ chức có hiệu quả, góp phần tạo ra năng lực sản xuất mới cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động khuyến công giai đoạn 2012-2022 tập trung hỗ trợ cho các ngành nghề có thế mạnh của địa phương như chế biến nông lâm sản, cơ khí, ... theo đúng định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Thái Nguyên.
Tiếp tục phát huy
Với những tác động tích cực của công tác khuyến công tới ngành công nghiệp nông thôn nói riêng, công nghiệp nói chung, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch cụ thể để tiếp tục phát huy kết quả này.
Theo đó đến năm 2025, Thái Nguyên sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất. Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Cụ thể, địa phương hỗ trợ 90 cơ sở công nghiệp nông thôn về ứng dụng máy móc thiết bị, cụm thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động thôn tin tuyên truyền về chính sách khuyến công; các mô hình hoạt động hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, tăng mạnh số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn nắm bắt và chủ động tham gia chương trình.
Nâng cao năng lực và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công cấp huyện và cấp xã. Tham gia hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất từ Trung ương đến địa phương, kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác sử dụng dữ liệu về khuyến công nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khuyến công tại địa phương. Tổ chức 9 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công tại các huyện, thành phố. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công địa phương, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công.
Để hoàn thành mục tiêu này, Thái Nguyên cũng đề ra một số giải pháp. Trong đó, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công; nâng cao năng lực bộ máy tổ chức làm công tác khuyến công; đảm bảo các nguồn vốn cho hoạt động khuyến công; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phối hợp trong hoạt động khuyến công.