Tăng năng suất, nâng chất lượng: Bí quyết vượt khó của thép Việt

Ánh Dương

Một trong những giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp ngành thép ứng phó hiệu quả với các thách thức bủa vây là tập trung nâng cao năng suất, chất lượng.

Ngành thép Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình như cạnh tranh từ thép nhập khẩu. Ảnh: Internet
Ngành thép Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình như cạnh tranh từ thép nhập khẩu. Ảnh: Internet

 Đối mặt nhiều thách thức

Ngành thép Việt vừa trải qua năm 2024 với nhiều biến động, từ giá cả nguyên liệu, những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, cho đến những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ...

Ngành thép Việt đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình như cạnh tranh từ thép nhập khẩu: Thép giá rẻ của Trung Quốc và Ấn Độ đang tạo áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp thép trong nước. Nhập khẩu sắt thép các loại tăng mạnh xuyên suốt năm 2024. Chi phí vận tải cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và sức cạnh tranh của thép Việt Nam.

Về chính sách thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá đối với thép Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Australia, Ấn Độ… đang gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép…

Về hàng tồn kho, lượng hàng tồn kho còn lớn từ năm 2023, cộng với nhu cầu thị trường thấp do thị trường xây dựng dân dụng chưa thực sự hồi phục, gây áp lực lên các doanh nghiệp thép. Tuy nhiên, sau quý II/2024, phần lớn các doanh nghiệp thép trong nước đều đã giảm quy mô tồn kho.Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như chi phí năng lượng, đặc biệt là than cốc đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép.

Tăng cạnh tranh từ tăng năng suất

Theo Viện Năng suất Việt Nam, việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang trở thành yếu tố then chốt để tạo nên vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung và của ngành thép nói riêng.

Nhận thức rất rõ thách thức, cơ hội, xác định rõ yêu cầu và đòi hỏi của thị trường, không ít "ông lớn" ngành thép đã và đang đẩy mạnh cải tiến, đầu tư công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng sức cạnh tranh trên thương trường.

Một trong những cái tên điển hình phải kể tới là Tập đoàn Hòa Phát. Thời gian qua, doanh nghiệp này đã tiên phong trong đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các nhà máy sản xuất của Tập đoàn Hòa Phát đều được kiểm soát theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015.

Tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất thép theo công nghệ lò cao khép kín đều được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Sản phẩm đầu ra tiếp tục trải qua quá trình kiểm soát nghiêm ngặt một lần nữa trước khi đưa ra thị trường.

Các sản phẩm xuất khẩu của Thép Hòa Phát hiện đã đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như JIS GS3505:2004, JIS G3112:2010 (Nhật Bản), BS 4449:2005 (Anh Quốc), ASTM A615 (Hoa Kỳ)...

Một trong những doanh nghiệp điển hình thúc đẩy cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm khác là Công ty CP ống thép Việt Đức (VG PIPE).

Công ty đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất ống thép, tôn cán nguội, tôn mạ kẽm hiện đại. Cho đến nay, thép Việt Đức đã mở rộng sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại tiên tiến của các nước châu Âu và Nhật Bản với tỷ lệ tự động hóa cao cho 38 dây chuyền sản xuất thép, dây chuyền xả băng. 

Trong đó, hoạt động quản lý và sản xuất của Công ty thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và chương trình cải tiến 5S theo Nhật Bản.

Các sản phẩm của thép Việt Đức sản xuất ra đều theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như: Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN); Tiêu chuẩn Nhật Bản (JISG 3112); Tiêu chuẩn Mỹ (ASTM) và tiêu chuẩn của các nước tiến tiến trên thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như sẵn sàng đáp ứng cho quá trình hội nhập.

Nhờ đó, doanh nghiệp đã khẳng định vị trí top 4 doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ ống thép trong nước lớn nhất tại Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Âu là trên 50%...

Ngoài các doanh nghiệp kể trên, hiện nay còn rất nhiều công ty khác trong ngành thép đang nỗ lực đổi mới công nghệ, nâng cao nâng suất và chất lượng sản phẩm nhằm hướng tới thị trường quốc tế.

Để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, các chuyên gia năng suất, chất lượng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy thế mạnh, không để tụt hậu trong tiếp cận khoa học - công nghệ...