Tăng phòng vệ trong ngân hàng
Đầu tháng 5/2019, NHNN đã ban hành Văn bản số 3260 về việc tiếp tục chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cướp ngân hàng. Đây là lần thứ 3 trong vòng 9 tháng gần đây, nhà điều hành ban hành những văn bản chỉ đạo hệ thống TCTD siết chặt công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các chi nhánh, phòng giao dịch và hệ thống máy ATM.
Điều đó cho thấy việc đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động giao dịch ngân hàng là một trong những ưu tiên hàng đầu mà cơ quan quản lý đặt ra và điều này chắc chắn sẽ được các TCTD quan tâm, đầu tư nhiều hơn bên cạnh những nghiệp vụ sản phẩm dịch vụ.
Trộm, cướp manh động và đa dạng
Thống kê sơ bộ năm 2018 và từ đầu năm đến nay, tình trạng trộm, cướp tại các chi nhánh, phòng giao dịch và các trụ điểm đặt máy ATM của các NHTM diễn ra bất thường với những biểu hiện táo tợn và manh động. Trong năm 2018 có gần 10 vụ cướp xảy ra tại các tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, Đắk Lắk, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long… Đầu 2019 lại liên tiếp xảy ra các vụ cướp tại Thái Bình và Quảng Ninh.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hầu hết các đối tượng cướp ngân hàng đều sử dụng các loại súng tự chế, trái nổ và vũ khí nóng để đe dọa, khống chế nhân viên TCTD trước khi thực hiện hành vi cướp tiền. Trong nhiều trường hợp nhân viên bảo vệ của các ngân hàng đã kháng cự và bị thương khi ngăn chặn tội phạm. Một số thủ phạm cướp ngân hàng được xác định là nghiện ma túy và rất manh động, nên rất nguy hiểm cho nhân viên ngân hàng khi thực hiện chống trả tự phát mà không phối hợp các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ chuyên nghiệp.
Bên cạnh hoạt động cướp ngân hàng, trong thời gian qua hành vi trộm tài sản từ các máy ATM của các NHTM cũng diễn ra phổ biến. Ngoài việc phá các máy ATM ở các khu vực thưa vắng dân cư để trộm cắp tiền, các đối tượng còn dùng công nghệ cao để sao chép dữ liệu tài khoản, làm giả thẻ ATM để trộm cắp tiền của khách hàng cũng ngày càng phổ biến với những kỹ thuật tinh vi và khó khăn trong việc truy tìm thủ phạm.
Ông Phạm Anh Tuấn - Thành viên HĐQT Vietcombank cũng thừa nhận rằng, đến thời điểm hiện nay, mặc dù nhiều NHTM đã chú trọng áp dụng các kỹ thuật cao trong quá trình bảo mật thông tin, nhưng về cơ bản mức độ bảo mật của các ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Ý thức bảo mật của người dùng thẻ tại Việt Nam cũng còn nhiều bất cập; nhiều trường hợp người dùng không nắm được các nguy cơ mất an toàn cho tài khoản, từ đó tạo cơ hội cho tội phạm mạng tấn công. Trong khi các hành vi tội phạm công nghệ cao lại không giới hạn về không gian, thời gian, cách thức tấn công. Khi xảy ra các sự cố trộm cắp liên quan đến công nghệ thường rất khó để truy tìm dấu vết đối tượng.
Kết hợp nhiều giải pháp hỗ trợ, bảo vệ
Theo ghi nhận từ các NHTM, để hạn chế những thiệt hại về tài sản đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cướp táo tợn xảy ra tại các trụ sở giao dịch, hàng loạt các biện pháp hỗ trợ bảo vệ chi nhánh, phòng giao dịch đã được các ngân hàng áp dụng.
Tại TPBank, hiện nay với sự hỗ trợ của cơ quan công an phòng chống tội phạm, nhà băng này đã lắp đặt thành công hệ thống chống trộm công nghệ cao cho các cây ATM ở khu vực Hà Nội và TP.HCM. Hệ thống chống trộm này được vận hành theo nguyên lý báo động tại chỗ khi các máy ATM bị tác động mạnh như cạy bẩy bằng xà beng, đốt bằng đèn khò, hoặc bị khoan cắt. Sau khi báo động, hệ thống sẽ gửi tin nhắn và cuộc gọi cảnh báo đến số điện thoại của lực lượng công an phường tại địa phương để phối hợp xử lý tội phạm.
Các NHTM khác như MaritimeBank, MB, TPBank… hiện nay cũng đã lắp đặt hệ thống camera báo động đa chiều tại các chi nhánh, phòng giao dịch ở địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đại diện MB, hệ thống camera báo động này có 16 kênh ghi hình, áp dụng công nghệ POE chỉ cần cắm dây mạng internet là có thể hoạt động mà không cần dây nguồn. Tại các vị trí của kho tiền camera được kết nối với hệ thống gọi thoại tự động, khi có người đột nhập hệ thống sẽ gọi về bộ xử lý trung tâm để giám sát và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo an toàn kho quỹ.
Không chỉ chú trọng lắp đặt các hệ thống báo động thông minh, hiện nay công tác tuyển dụng, huấn luyện đội ngũ bảo vệ đối với các trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch cũng đang được các NHTM quan tâm đầu tư bài bản hơn.
Đại diện ABBank cho biết, sau sự cố cướp ngân hàng xảy ra tại huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long vào giữa năm ngoái, ngân hàng này đã tổ chức đợt tập huấn, diễn tập xử lý tình huống cho lực lượng bảo vệ ở tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch để có thể thực hiện khi có trường hợp trộm cướp xảy ra.
Bên cạnh đó, VietinBank cho hay, ngoài việc bố trí lực lượng bảo vệ bên ngoài trụ sở, các chi nhánh của ngân hàng này cũng đang hỗ trợ khách hàng bảo vệ tài sản bằng các quy định cụ thể như: mang hộ túi tiền của khách hàng ra tận xe, bố trí xe chở tiền vận chuyển số tiền lớn của khách hàng về tận nhà, hoặc nhận tiền gửi số lượng lớn tại nhà của khách hàng để đề phòng xảy ra cướp trên đường hoặc trong lúc giao dịch.
Về chế độ tuyển dụng và đãi ngộ đối với nhân viên bảo vệ, theo đại diện HDBank, hiện nay ngoài mức lương cơ bản, ngân hàng cũng áp dụng nhiều hỗ trợ, ưu đãi để tuyển dụng và giữ chân các nhân viên bảo vệ có nghề và hoạt động tích cực.
Theo đó, sau 3 tháng ký hợp đồng các nhân viên bảo vệ sẽ nhận được trợ cấp 240.000 đồng/tháng, phụ cấp điện thoại 60.000 đồng/tháng, phụ cấp mục tiêu 150.000 - 400.000 đồng/tháng. Các ngày lễ tết và tăng ca nhân viên bảo vệ được hưởng mức lương 150-300% so với mức cơ bản. Ngoài ra, các nhân viên bảo vệ cũng được vay tín dụng lãi suất ưu đãi tại ngân hàng để phục vụ nhu cầu chi tiêu cá nhân…
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết:
Chúng ta phải dành tâm sức cho an ninh thanh toán cho người tiêu dùng ngang với tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới cho thanh toán. Cho dù thẻ bị đánh cắp, người tiêu dùng vẫn yên tâm rằng, họ luôn được ngân hàng và Visa bảo vệ.
Bên cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng là Visa tạo ra các chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích ngân hàng và dùng chuyển đổi sử dụng thẻ chip. Đồng bộ hóa thẻ chip và thiết bị chấp nhận thẻ chip tại các đơn vị chấp nhận thẻ để giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo giao dịch an toàn. Thông qua các chương trình, chúng tôi cố gắng làm cho người dùng và người bán hàng hiểu được những lợi ích của việc dùng thẻ chip.
Ông Yeo Siang Tiong - Tổng giám đốc Kaspersky Lab khu vực Đông Nam Á cho biết:
Ngân hàng là nơi cất trữ tiền cũng như lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ. Những lợi ích về thông tin và tài chính từ ngân hàng đã thu hút sự chú ý của tội phạm mạng, từ đó khiến ngành tài chính trở thành mục tiêu rất lớn để những chủ thể tấn công và chúng đang liên tục tìm cách xâm nhập vào những hệ thống và mạng lưới phức tạp của ngân hàng, kiếm lợi.
Để bảo mật an ninh mạng, các ngân hàng tại Việt Nam nên thực hiện các biện pháp: Nâng cao nhận thức về bảo mật mạng đối với nhân viên và khách hàng. Triển khai các khóa đào tạo về an ninh mạng để cải thiện thói quen trực tuyến của họ. Hãy chú ý đến bảo mật điểm cuối như ATM, ngân hàng trực tuyến… ở đó các giao dịch tài chính sẽ được thực hiện. Luôn cập nhật phần mềm trong các hệ thống này và bảo mật chúng bằng giải pháp chống phần mềm độc hại tiên tiến.
Đảm bảo tất cả cơ sở hạ tầng công ty đều đang sử dụng những giải pháp bảo mật mạng. Các giải pháp được thiết kế riêng cho ATM và POS, chẳng hạn như Kaspersky Embedded Systems Security, có thể giúp bảo vệ các thiết bị.