Nợ xấu ngân hàng và trích lập dự phòng ra sao trong 3 tháng đầu năm?
Quá trình xử lý nợ xấu của một số tổ chức tín dụng đã được đẩy nhanh hơn, phản ánh trên báo cáo tài chính quý 1/2019.
Thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2019 của 15 ngân hàng lớn và trung bình của Việt Nam cho thấy, có sự phân hóa khá rõ về tình hình nợ xấu giữa các nhà băng.
Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2018, tổng nợ xấu của 15 ngân hàng ở mức hơn 76 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm.
Về giá trị tuyệt đối, 11/15 ngân hàng có số nợ xấu tăng trong 3 tháng đầu năm. Dù vậy, nhờ đẩy mạnh tín dụng nên chỉ có 9/15 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu/tổng cho vay gia tăng.
Trong khi đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 3 cũng tăng 4,8% so với đầu năm, lên mức 41,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,3% tổng nợ xấu, trong khi con số này hồi cuối năm 2018 ở mức 54,8%.
Hiện VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong nhóm khảo sát, chiếm tới 3,62%/tổng cho vay, so với con số hồi đầu năm là 3,5%. Dù vậy, số nợ xấu này chủ yếu tập trung ở nhóm 3, tức nợ dưới tiêu chuẩn (chiếm 53,3% tổng nợ xấu) trong khi nợ có khả năng mất vốn chiếm 25,4%.
NCB là ngân hàng đứng thứ hai trong nhóm khảo sát về tỷ lệ nợ xấu, ở mức 2,72%. Con số này tăng khá mạnh so với mức 1,67%/tổng cho vay hồi đầu năm.
Trong khi đó, VietinBank lại là một trong những ngân hàng có số nợ xấu tăng khá mạnh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng 2.271 tỷ đồng, lên gần 16 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 14,3%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức gần 10,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% và chiếm tới 65,7% tổng nợ xấu.
Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank theo đó cũng tăng khá mạnh, từ mức 1,58% đầu năm lên 1,85%/tổng cho vay.
Về con số tuyệt đối, BIDV vẫn đang là nhà băng có số nợ xấu lớn nhất, với gần 17,9 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng mừng là con số này đã giảm nhẹ 4,9% so với đầu năm, chủ yếu giảm ở nợ nhóm 4. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vì vậy cũng giảm từ mức 1,9% hồi đầu năm xuống còn 1,74%/tổng cho vay.
Ngoài BIDV, trong kỳ qua cũng chứng kiến khá nhiều ngân hàng giảm được tỷ lệ nợ xấu so với đầu năm như ACB (giảm từ 0,73% về 0,69%/tổng cho vay), Sacombank (giảm từ 2,2% về 2,14%), LienVietPostBank (giảm từ 1,41% về 1,36%), HDBank (giảm từ 1,54% về 1,45%),..
Điều này cho thấy một tín hiệu đáng mừng, là quá trình xử lý nợ xấu của một số tổ chức tín dụng đã được đẩy nhanh hơn. Các tổ chức tín dụng cũng hạn chế chuyển nợ sang VAMC mà tích cực xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo và sử dụng dự phòng rủi ro…
Trích lập dự phòng tiếp tục tăng nhẹ
Như trên, ngoài việc bán nợ, phát mại tài sản đảo bảo, thì chi phí dự phòng rủi ro cũng là một trong những phương án phổ biến các ngân hàng đang sử dụng để xử lý nợ xấu.
Thống kê của BizLIVE cũng cho thấy, 8/15 ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng trong quý I/2019, với tổng mức trích lập của 15 ngân hàng đạt gần 15,2 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm 2018.
VietinBank là một trong những ngân hàng mạnh tay tăng trích lập dự phòng nhất trong nhóm khảo sát khi dành tới hơn 3,2 nghìn tỷ đồng cho việc trích lập, tăng 38% so với cùng kỳ.
Khoản trích lập chiếm tới 50,7% tổng lợi nhuận thuần của ngân hàng khiến cho VietinBank chỉ ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.152 tỷ đồng khi kết thúc quý I, tăng nhẹ 4,1% so với cùng kỳ.
VPBank cũng tăng trích lập 20,8%, lên 3.204 tỷ đồng, chiếm tới 64,3% lợi nhuận thuần.
Xét về số tuyệt đối, BIDV vẫn đang là ngân hàng trích lập dự phòng lớn nhất, với 5.186 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, con số này giảm nhẹ 827 tỷ đồng, tương đương 13,8% so với cùng kỳ.
Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019 tổ chức mới đây, ông Bùi Văn Hải, Phó Vụ trưởng, Vụ Giám sát Ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng đến nay đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Điểm quan trọng nhất là khuôn khổ pháp lý đã được hoàn thiện một bước cơ bản, cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng cơ cấu lại và xử lý nợ xấu đã được sửa đổi, bổ sung.
Lãnh đạo Vụ Giám sát Ngân hàng đánh giá, chất lượng tín dụng của các nhà băng đã được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã giảm xuống dưới 2%.
Tỷ lệ này giảm về mức thấp cũng phản ánh các tổ chức tín dụng đang kiểm soát tốt nợ xấu phát sinh mới, bên cạnh kết quả xử lý nợ xấu tích tụ từ trước đây.