Tăng thẩm quyền cho hải quan trong xử lý vi phạm pháp luật xuất nhập khẩu
(Tài chính) Bên cạnh việc cải cách hành chính, hiện đại hóa hoạt động hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) tham gia xuất nhập khẩu (XNK), kể từ ngày 1/11/2013, nhiều quy định mới về xử phạt vi phạm pháp luật về XNK sẽ có hiệu lực. Những quy định này sẽ góp phần tạo bình đẳng trong hoạt động của DN; gia tăng hiệu lực, hiệu quả trong công tác chống thất thu ngân sách của Nhà nước.
Tạo lập môi trường bình đẳng
Hiện nay, chiến lược cải cách mạnh mẽ của ngành Hải quan nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN. Hệ thống Hải quan đã và đang áp dụng thủ tục hải quan điện tử, thu hút sự tham gia thường xuyên của 40.000 DN, chiếm 96% các DN tham gia XNK. Hải quan điện tử đã tiết kiệm thời gian, chi phí của DN, giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa của DN xuống còn từ 5 đến 10 phút cho một lô hàng…
Bên cạnh đó, nửa cuối tháng 11/2013, hệ thống Hải quan cũng đang đưa vào chạy thử hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ sẽ chính thức đưa vào vận hành từ cuối quý 1/2014. VNACCS/VCIS cho phép thông quan một lô hàng chỉ trong vài giây. Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN, hiện nay, cơ quan hải quan đã và đang triển khai thu thuế qua hệ ngân hàng, góp phần tạo điều kiện thông quan nhanh chóng cho DN, ngay khi DN thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước (hiện nay có hơn 50% số thu của cơ quan hải quan thực hiện qua phương thức này).
Cùng với việc tạo thuận lợi, Tổng cục Hải quan cũng lưu ý cộng đồng DN cần quan tâm đến tính thuân thủ pháp luật được quy định tại một số văn bản mới ban hành, như: Nghị định số 83/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013). Thông tư số 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế XNK có hiệu lực từ ngày 1/11/2013 (thay thế Thông tư 194/2010/TT-BTC). Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (Nghị định 127) quy định việc xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Tăng quyền năng cho cơ quan hải quan
Đáng chú ý là Nghị định 127 (có hiệu lực từ 15/12/2013), quy định chi tiết các vi phạm về quy định kiểm tra hải quan, thanh tra thuế; vi phạm quy định về giám sát hải quan; vi phạm về kiểm soát hải quan và xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế; thủ tục cưỡng chế thuế nhằm nâng cao hiệu quả thực thi trong lĩnh vực hải quan.
Theo đó, các hành vi đều có mức phạt tiền cao nhất là 60 triệu đồng chưa kể các hình thức phạt bổ sung khác.
Đối với vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế có mức phạt cao nhất là 30 đến 50 triệu đồng cho hành vi không tái xuất, tái nhập phương tiện vận tải xuất nhập cảnh đúng thời hạn quy định mà phương tiện vi phạm là ô tô dưới 24 chỗ ngồi.
Vi phạm quy định về khai hải quan, có mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng đối với hành vi khai khống tên hàng, số lượng, trọng lượng, giá trị hàng hóa xuất khẩu…
Vi phạm quy định về khai thuế, người nộp thuế có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền được miễn, giảm, được hoàn thì sẽ bị phạt 20% số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn cao hơn so với quy định của pháp luật về thuế.
Trường hợp người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung hải quan hồ sơ khai thuế quá 60 ngày kể từ ngày đăng ký hải quan nhưng trước khi cơ quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì bị xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền được miễn, giảm, được hoàn cao hơn so với quy định.
Vi phạm quy định về khai báo hải quan của người xuất nhập cảnh đối với ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng thì phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với trường hợp tang vật vi phạm có trị giá trên 100 triệu đồng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra thuế, phạt tiền từ 20 đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: đánh tráo hàng hóa, giả mạo tài liệu, niêm phong, tài khoản truy cập, chữ ký số chứng từ bất hợp pháp…