Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô bán tải: Đưa về đúng mục đích sử dụng
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng (còn gọi là xe bán tải) bằng 60% so với xe con cùng dung tích xi lanh là nhằm định hướng tiêu dùng, phù hợp với mục đích sử dụng loại xe này.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc tăng thuế nên có lộ trình để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đảm bảo đúng mục đích sử dụng xeTheo quy định tại Luật thuế TTĐB hiện hành, xe bán tải áp dụng thuế suất thuế TTĐB như sau: Loại có dung tích xi lanh từ 2.500 cm3 trở xuống, áp dụng thuế suất thuế TTĐB 15%; loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 thì áp dụng thuế suất thuế TTĐB 20%; loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3, áp dụng thuế suất thuế TTĐB 25%. Bộ Tài chính cho rằng, với việc áp mức thuế như trên, số lượng xe ô tô bán tải nhập khẩu và tiêu thụ tăng rất nhanh.
Theo thống kê, năm 2012 lượng xe tiêu thụ 3.291 xe, trong đó: Nhập khẩu là 3.252 xe, lắp ráp trong nước 39 xe. Đến năm 2016 lượng xe tiêu thụ đã tăng lên 28.233 xe, trong đó nhập khẩu 27.265 xe; lắp ráp trong nước 968 xe. Do loại xe này có thuế suất thuế TTĐB thấp hơn so với xe ô tô chở người có cùng số chỗ ngồi (dòng xe SUV thuế suất loại trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 là 55%), nên người tiêu dùng đã chuyển sang mua xe bán tải thay vì mua xe SUV.
Ngày 14/3/2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 133/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình nhập khẩu ô tô; trong đó, giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá lại mức thuế TTĐB, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải để đề xuất, báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và mục đích sử dụng loại xe này.
Đồng thời, ngày 28/4/2017, Bộ Công thương có Công văn số 34/BC-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam và các giải pháp phát triển, trong đó đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe vừa chở người, vừa chở hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500kg và có từ 5 chỗ ngồi chở xuống như xe ô tô chở người dưới 9 chỗ (xe con).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua nghiên cứu rà soát, Bộ Tài chính thấy rằng: Các nước trong khu vực thường áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô bán tải ở mức thấp hơn mức thuế suất đối với xe con. Do vậy, để bảo đảm đúng mục đích sử dụng xe, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh.
Nên có lộ trình tăng thuế
Về vấn đề áp thuế TTĐB đối với xe bán tải theo dự thảo của Bộ Tài chính nêu trên, luật sư Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty luật TNHH Minh Tâm cho biết, bản thân ông rất quan tâm đến vấn đề này và đã nghiên cứu dự thảo của Bộ Tài chính. “Tại Khoản 4, Điều 5 của dự thảo sửa đổi Luật thuế TTĐB có điều chỉnh thuế suất lên 60% đối với xe vừa chở người, vừa chở hàng có cùng dung tích xi lanh, hay chúng ta vẫn thường gọi là xe bán tải. Tôi cho rằng, đề xuất này góp phần định hướng tiêu dùng, đưa loại xe này trở về đúng với mục đích sử dụng”, luật sư Hoàng Sơn nói.
Tuy nhiên, luật sư Hoàng Sơn cũng cho rằng, việc tăng thuế nên có lộ trình, hay nói cách khác, nên tăng dần trong nhiều năm, chứ không nâng thuế suất lên con số tuyệt đối ngay khi luật có hiệu lực. “Hiện nay Chính phủ đang cổ vũ cho phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là trong các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Những ai đang sống ở hai đô thị này đều biết việc ùn tắc giao thông đang là vấn đề nan giải. Chính quyền của hai đô thị này đang áp dụng và dự kiến áp dụng nhiều chính sách nhằm hạn chế xe cá nhân. Tuy nhiên, đối với xe bán tải, nó có chức năng vừa chở hàng, vừa chở người, nên chúng ta thấy nó lại rất phù hợp với nhu cầu vận chuyển trong những đô thị đông dân cư”, luật sư Hoàng Sơn lý giải.
Cũng theo luật sư Hoàng Sơn, sự khởi nghiệp của những người trẻ đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khi các doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức kinh doanh ra đời, rất cần đến phương tiện giúp cho hàng hoá lưu thông trong hoàn cảnh đô thị thường xuyên ùn tắc. Do vậy, nếu tăng thuế TTĐB đối với xe bán tải, sẽ kéo theo giá thành xe cao, khi đó những người có nhu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh thực sự sẽ khó khăn trong việc sở hữu chiếc xe, vì bên cạnh thuế TTĐB, còn kéo theo thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, những thuế, phí đó được cộng vào giá thành.
“Theo tôi, Bộ Tài chính cần giãn thời gian tăng thuế đối với loại ô tô bán tải, hay nói cách khác những phương tiện vận tải nào trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh thì cần cân nhắc, nếu có tăng thì nên có lộ trình, điều này cũng góp phần cùng Chính phủ cổ vũ cho phong trào khởi nghiệp”, luật sư Hoàng Sơn nói.