Sửa đổi, bổ sung các luật thuế:
Thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách thuế
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế và nhận được rất nhiều ý kiến từ dư luận. GS., TS. Vũ Văn Hiền – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã làm rõ hơn về những vấn đề liên quan.
GS., TS. Vũ Văn Hiền cho rằng, việc Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế gồm: Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên là bình thường và hợp lý.
Trước đó, ngày 9/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đưa ra mục tiêu từng bước cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Đồng thời, để đạt được mục tiêu nêu trên, Nghị quyết đã đưa ra một số giải pháp như: Điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế; Điều chỉnh phạm vi, đối tượng nộp thuế; Rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế...
Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó yêu cầu tập trung cơ cấu lại nguồn thu; Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; Tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Ngày 06/6/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, theo đó dự án Luật này được giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch xây dựng dự án Luật trong quý III/2017...
Như vậy, theo GS., TS. Vũ Văn Hiền, việc sửa đổi, bổ sung 05 Luật thuế hiện hành theo đề xuất của Bộ Tài chính là nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị (Nghị quyết số 07-NQ/TW), Quốc hội (Nghị quyết số 25/2016/QH14) và Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đề ra trên cơ sở cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, đảm bảo tăng trưởng nguồn thu NSNN trong trung và dài hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tại Dự án Luật, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều đề xuất qua đó có nhiều tác động tích cực đến người nộp thuế nói riêng và nền kinh tế nói chung. Chẳng hạn, việc hoàn thuế đối với trường hợp có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết lũy kế 12 tháng hoặc 04 quý liên tục, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT.
Việc hoàn thuế này không áp dụng đối với cơ sở kinh doanh khâu thương mại; trường hợp vừa sản xuất, vừa kinh doanh khâu thương mại, cơ sở kinh doanh thực hiện hạch toán riêng để được hoàn thuế cho hàng hóa chịu thuế GTGT 5% cho cơ sở sản xuất. GS., TS. Vũ Văn Hiền nhận định, đề xuất này vừa phù hợp với bản chất của thuế GTGT và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, còn có nhiều đề xuất khác về ưu đãi thuế đối với lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ; Ưu đãi đối với các dự án đầu tư tại Khu kinh tế; Ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ; Bổ sung ưu đãi thuế đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Bổ sung ưu đãi thuế đối với thu nhập của tổ chức tài chính vi mô hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận...
Trước những ý kiến trái chiều về Dự án Luật, GS., TS. Vũ Văn Hiền nhận định, một số chính sách có tác động nhiều chiều, có những chính sách có hai mặt – được và mất đối với những nhóm đối tượng chịu thuế khác nhau. Chỉ có điều cần cân nhắc kỹ, toàn diện để đạt lợi ích tổng thể tốt nhất mà thôi. Trong bối cảnh thu ngân sách ngày càng khó khăn, nợ công cao thì việc đề xuất sửa đổi các luật thuế sẽ không dễ dàng. Thậm chí, có những trường hợp có thể khiến cho một số người dân hoặc doanh nghiệp hiểu nhầm là do khó khăn về ngân sách mới làm như vậy.
"Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang xây dựng chính sách trong đó có đề xuất tăng một số mức thuế nhưng cũng có cả giảm một số mức thuế và sửa nội dung một số luật thuế. Như vậy, Bộ Tài chính đã có sự cân nhắc kỹ và đã tính đến các phương án tác động đến các đối tượng khác nhau." - GS., TS. Vũ Văn Hiền chia sẻ.
Hơn nữa, việc Bộ Tài chính xin ý kiến rộng rãi các tổ chức và nhân dân qua nhiều phương thức, cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy sự minh bạch, cầu thị của Bộ Tài chính trong phạm vi chức trách của mình. Để hoàn thiện hơn nữa việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế, GS., TS. Vũ Văn Hiền đề xuất, Bộ Tài chính nên tiếp tục cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng hơn nữa các tác động của việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế, đặc biệt là đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.