"Tăng tốc" giải ngân vốn đầu tư công năm 2020: Cần sự phối hợp chặt chẽ
Giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề luôn "nóng" trong những năm gần đây, nhất là năm 2019 khi nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đến trung tuần tháng 10-2019, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm, ở mức thấp, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương nên 2 tháng cuối năm, đã có sự bứt phá. Qua đây, đã rút ra những kinh nghiệm quan trọng để giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn trong năm 2020, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan…
Chuyển biến rõ vào cuối năm
Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng năm 2019 chỉ đạt 54,69% so với kế hoạch Chính phủ; tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến rõ trong 2 tháng cuối năm. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, nhờ sự chỉ đạo sát sao từ các cấp điều hành, tốc độ giải ngân liên tục tăng nhanh, tỷ lệ thực hiện giải ngân từ ngân sách nhà nước năm 2019 của cả nước đạt 89,5% kế hoạch, tăng 5,8% về số tiền so với năm trước.
Trong bối cảnh đó, Hà Nội nổi lên là địa phương có kết quả giải ngân khá, với tỷ lệ 90,6% - cao hơn mức chung của cả nước. Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, năm 2019 đơn vị đã triển khai khá tốt một số dự án như: Đường Phạm Văn Đồng dài 5km (đã thông xe); cầu vượt qua hồ Linh Đàm để hoàn thiện đường Vành đai 3; đường nối từ Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam với Khu di tích lịch sử K9...
Nhiều đơn vị, địa phương đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao, trong đó nhóm dẫn đầu có tỉnh Ninh Bình, Quảng Trị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước... Ngược lại, các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp là tỉnh Điện Biên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...
Tuy có sự bứt phá trong 2 tháng cuối năm, nhưng có thể thấy rõ tình trạng giải ngân “đủng đỉnh đầu năm, bứt phá cuối năm” tiếp tục lặp lại. Lý giải về tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, do công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế, khiến khả năng giao và giải ngân vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không thể sát được với khả năng thực hiện của từng dự án. Trong đó, một số dự án không có khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư và khả năng thực hiện nhưng vẫn đăng ký để giao kế hoạch, khiến việc giải ngân không thể diễn ra. Đơn cử, dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) của Bộ Giao thông - Vận tải phải phân kỳ lại và điều chỉnh một số nội dung, nên chưa thể hoàn thành các thủ tục liên quan, nhưng trước đó vẫn đề xuất giao vốn. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án gặp khó khăn dẫn đến chậm tiến độ các công trình.
Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Nguyễn Quốc Chương cho rằng, niên độ ngân sách nhà nước là một năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn. Sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, các ngành mất nhiều tháng để triển khai kế hoạch hoạt động, kế hoạch đấu thầu, kế hoạch triển khai thực hiện, thi công để có khối lượng thực hiện tích lũy, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, việc tạm ứng vốn hợp đồng, hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm. “Có chủ đầu tư còn chậm quyết toán dự án hoàn thành, quyết toán hợp đồng nên không giải ngân được kế hoạch vốn được giao”, ông Nguyễn Quốc Chương lý giải.
Quyết liệt triển khai các giải pháp
Để đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân trong năm mới 2020, Chính phủ đã khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; xác định cá nhân lãnh đạo chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân... Đồng thời, Chính phủ chủ động cho phép điều chuyển vốn tồn đọng, không thể giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh.
Tại Hà Nội, theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong chỉ đạo, thành phố luôn có văn bản đôn đốc, giao nhiệm vụ các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành liên quan tập trung triển khai nhiệm vụ; giao ban kiểm điểm, kiểm soát tiến độ từng dự án. Thành phố cũng xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết, giải quyết kịp thời vướng mắc…
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn chia sẻ, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết khi triển khai các dự án, trong đó nổi lên là giải phóng mặt bằng. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng thì sẽ đáp ứng được phần lớn yêu cầu giải ngân đề ra...
Để khắc phục tình trạng chậm giải ngân, Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Nguyễn Quốc Chương kiến nghị, năm 2020 này cần giao vốn sớm để hỗ trợ các dự án về thời gian. Còn theo Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Việt Phong, vẫn còn khoảng cách trong việc đáp ứng nhu cầu giải ngân đối với các phần việc đã hoàn thành. Vì vậy, năm 2020 các cơ quan nên thống nhất biện pháp nhằm thanh toán, giải ngân được ngay đối với các phần việc đã hoàn thành.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì khẳng định, năm 2020, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các quy định còn vướng mắc để điều chỉnh; sớm giao chi tiết và điều chỉnh kế hoạch vốn, kiên quyết điều chuyển vốn, dồn vốn sang các dự án có khả năng giải ngân cao; tập trung chỉ đạo giải ngân đều ở các cấp, các ngành; đổi mới công tác theo dõi đầu tư công và tăng cường kỷ luật, nhất là vai trò người đứng đầu trong giải ngân…; từ đó sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân.