Tăng tốc nâng chất lượng rau quả, tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu

Cẩm An

5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ghi nhận tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, cần giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng, rau quả Việt mới có thể tận dụng tốt hơn cơ hội rộng mở từ các thị trường.

5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023.
5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh nghiệp mạnh tay đầu tư, nâng cao chất lượng rau quả

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như sầu riêng, thanh long, chuối...

Thị trường xuất khẩu chính của các loại rau quả Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan... Tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã vượt Thái Lan và Philippines, trở thành nhà cung cấp sầu riêng và chuối lớn nhất cho thị trường này.

Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều mặt hàng giảm mạnh, xuất khẩu ngành rau quả trong 5 tháng qua lại tăng mạnh. Ngoài những tín hiệu lạc từ thị trường, để có được mức tăng trưởng cao như vậy là nhờ các doanh nghiệp xuất khẩu mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, việc chuyển từ xuất khẩu hàng thô sang các sản phẩm chế biến sâu đã phát huy hiệu quả.

Đại diện Công ty cổ phần Nông sản Phúc Tiến cho biết, mỗi ngày, nhà máy này thu mua từ 30 - 40 tấn xoài nguyên liệu. Nhờ đầu tư hệ thống cấp đông, tăng cường chế biến, đa dạng sản phẩm nên đơn vị luôn ký được các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu và châu Á.

Nhờ đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, đặc biệt chinh phục được các thị trường khó tính nên nhiều sản phẩm rau quả tại đây có giá bán cao gấp 3 - 4 lần so với sản phẩm thông thường. Quan trọng, đây là hướng đi bền vững cho ngành hàng tỷ đô này.

Cần giám sát chặt chất lượng sản phẩm

Hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được nhìn nhận sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng.

Cụ thể như, tại thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, thị phần hàng rau quả của Việt Nam đã tăng mạnh từ 7,9% năm 2022 lên 13,99% năm 2023.

Nếu làm tốt hơn nữa khâu ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dự báo xuất khẩu ngành rau Việt Nam có thể sớm vượt mốc 5,6 tỷ USD. 
Nếu làm tốt hơn nữa khâu ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dự báo xuất khẩu ngành rau Việt Nam có thể sớm vượt mốc 5,6 tỷ USD. 

Ngoài thị trường Trung Quốc, những tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận bước phát triển mới trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Thái Lan, mặc dù đây là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và có nhiều loại sản phẩm tương đồng với Việt Nam.

Thị trường xuất khẩu rộng mở, song Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, chất lượng hàng rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự thiếu đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.

Quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng.

Rủi ro khi nội lực của ngành còn yếu vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị chưa cao, sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp...

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhiều chuyên gia rau quả cho rằng, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm khi thu hoạch.

Đồng thời, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán. Việc cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả và quản lý tốt mã số vùng trồng cũng là hoạt động cấp thiết nhằm duy trì chất lượng rau quả Việt Nam.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam với nhiều thị trường khác nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Mỗi năm, sản lượng rau quả Việt Nam đạt khoảng 31 triệu tấn, thế nhưng tỷ lệ chế biến sâu chưa tới 20%. Qua đó cho thấy, dư địa để phát triển lĩnh vực này còn khá lớn.

Nếu làm tốt hơn nữa khâu ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dự báo xuất khẩu ngành rau Việt Nam có thể sớm vượt mốc 5,6 tỷ USD.