Tăng trách nhiệm của địa phương trong đảm bảo kinh phí thực hiện quy hoạch đô thị, nông thôn

Trần Huyền

Thảo luận về kinh phí thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Quốc hội lo lắng việc triển khai quá nhiều quy hoạch trên 1 địa bàn hành chính sẽ gây áp lực lên ngân sách nhà nước. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định nhằm đảm bảo tính chủ động, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của địa phương trong đảm bảo kinh phí thực hiện quy hoạch.

Các đại biểu tại phiên họp.
Các đại biểu tại phiên họp.

Thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại hội trường Quốc hội sáng 25/10, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, dự thảo Luật cần giải quyết tốt, hài hòa các loại quy hoạch như khoáng sản, đất đai, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… nhằm tạo không gian phát triển tốt cho địa phương. Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, tác động tiêu cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội để việc thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn tại Luật này được đồng bộ và thực sự tạo động lực phát triển. 

Liên quan đến kinh phí triển khai quy hoạch, Đại biểu cho rằng nên xem xét tính đặc thù ở từng vùng miền. Ở những nơi có diện tích rộng, dân cư thưa thớt thì chi phí hoạt động cho quy hoạch có thể tăng lên. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần có sự phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho phù hợp.

Băn khoăn về nguồn lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho biết, tại khoản 5 Điều 5 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định đối tượng của đầu tư công là các đối tượng theo quy định của pháp luật về quy hoạch (hiện nay là Luật Quy hoạch năm 2017).

Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quy hoạch năm 2017 đang xin ý kiến rộng rãi cũng đã quy định chi tiết việc sử dụng nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, đối tượng điều chỉnh theo Luật này. Trong đó, quy định chi tiết việc đầu tư công được sử dụng để thực hiện 05 quy hoạch gồm: Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch tổng thể đô thị nông thôn. Các quy hoạch mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo Đại biểu Đoàn Thị Lê An, việc triển khai thực hiện quá nhiều quy hoạch trên 01 địa bàn hành chính (quy hoạch xã, quy hoạch huyện trên địa bàn hành chính 01 tỉnh) sẽ làm tăng các khoản mục chi trong cơ cấu chi nhân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Điều này có thể gây lãng phí nguồn lực ngân sách, chưa đảm bảo mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu, dự thảo Luật quy định, việc quản lý kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan. Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm quản lý kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện và kiểm soát việc tạm ứng, thanh toán, quyết toán theo khối lượng thông qua hợp đồng. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, giám sát.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng, UBND các cấp trong vấn đề này. Cụ thể, Bộ Xây dựng lập, ban hành danh mục dự án quy hoạch và kế hoạch kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm đối với quy hoạch do Bộ Xây dựng tổ chức lập và các quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ giao. UBND các cấp lập, ban hành danh mục dự án quy hoạch và kế hoạch kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước hằng năm đối với các quy hoạch đô thị và nông thôn trong phạm vi quản lý hành chính của mình, trừ các quy hoạch do Bộ Xây dựng tổ chức lập. Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố định mức, đơn giá, phương pháp xác định chi phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung nội dung UBND các cấp phê duyệt dự toán theo phân cấp của pháp luật về ngân sách đối với các đồ án thuộc trách nhiệm của cấp mình lập, nhằm đảm bảo tính chủ động, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian thực hiện. 

Ngoài ra, về căn cứ lập quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về lấy cơ sở pháp lý về kết quả sử dụng đất và phê duyệt quy hoạch tỉnh để làm căn cứ lập quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ tránh những bất cập, khó khăn trong triển khai thực tiễn.