Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh vì chính sách không COVID-19
Trung Quốc đương đầu với nhiều yếu tố bất ổn liên quan đến chiến tranh Ukraine, thị trường bất động sản suy giảm và đợt bùng dịch COVID-19 tồi tệ nhất tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
GDP Trung Quốc quý I/2022 tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, đợt bùng dịch COVID-19 tồi tệ nhất của Trung Quốc đe dọa sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế.
Cơ quan Thống kê Trung Quốc (NBS) mới đây đã công bố số liệu kinh tế từ tháng 1 đến hết tháng 3/2022, các chuyên gia đã dự báo về con số tăng trưởng 4,3%.
Tính theo quý, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 1,3% bởi Trung Quốc đương đầu với nhiều yếu tố bất ổn liên quan đến chiến tranh Ukraine, thị trường bất động sản suy giảm và đợt bùng dịch COVID-19 tồi tệ nhất tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hơn 2 năm trước đây. Việc chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều các biện pháp phong tỏa trên diện rộng đã khiến cho tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Chính quyền nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, từ Thiên Tân cho đến Cát Lâm hay Thâm Quyến ở phía Nam đã bị phong tỏa tạm thời trong quý gần nhất, làm phát triển công nghiệp và tiêu dùng người dân đi xuống.
Chính quyền thành phố Thượng Hải, thành phố lớn nhất và là “trái tim” kinh tế của Trung Quốc, đã bị phong tỏa kể từ cuối tháng trước. Phần lớn trong tổng số 25 triệu người dân Thượng Hải đã bị yêu cầu phải ở nhà, trong khi đó nhiều nhà máy phải đóng cửa, hoạt động sản xuất bị ngưng trệ.
Trong tháng 4/2022, Phòng Thương mại Châu Âu (EC) là cộng đồng kinh doanh nước ngoài mới nhất thể hiện quan điểm lo lắng về việc chi phí kinh tế từ chính sách kiềm chế đại dịch COVID-19 của Bắc Kinh đang tăng cao. EC cảnh báo các biện pháp cứng rắn này đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời hối thúc giới chức địa phương Trung Quốc điều chỉnh lại chiến lược.
Các chuyên gia kinh tế đang kỳ vọng nhiều hơn vào các biện pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ trong năm nay khi mà chính phủ đang cố gắng bình ổn nền kinh tế thứ 2 trên thế giới. Trong tháng này, Trung Quốc công bố rằng sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng phải nắm giữ, đây là động thái nới lỏng đầu tiên trong năm nay trong nỗ lực để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Ngoài cuộc chiến tại Ukraine, yếu tố quan trọng đẩy giá hàng hóa lên cao, nhiều chuyên gia kinh tế nói rằng tình trạng gián đoạn tăng cao do chính sách không COVID-19 của Trung Quốc sẽ khiến cho Trung Quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm 2022.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc xuống còn 4,9%, giảm đáng kể từ mốc 8,1% của năm ngoái.
Trung Quốc hiện đang đương đầu với đợt dịch COVID-19 bùng phát tồi tệ nhất trong 2 năm, số lượng các ca nhiễm COVID-19 tăng vọt tại ngày một nhiều thành phố, đồng thời không có nhiều dấu hiệu cho thấy đợt bùng dịch tại Thượng Hải sớm được giải quyết, hàng chục triệu người dân Trung Quốc tại Thượng Hải hiện đang bị phong tỏa, cấm mọi hoạt động đi lại.
Theo Bloomberg, làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện tại bắt đầu từ cuối tháng 2/2022, các biện pháp phong tỏa tại Thâm Quyến và một số thành phố khác đã ngăn chặn được sự lây lan của biến chủng Omicron, chính vì vậy các thành phố có thể mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, nhiều nơi khác vẫn chứng kiến các đợt bùng dịch, vì vậy giới chức địa phương buộc phải cố gắng hạn chế tình trạng lây nhiễm trước khi nó lên đến mức khủng hoảng như Thượng Hải. Trong khoảng hơn 1 tuần qua, số lượng ca nhiễm mới COVID-19 tại Thượng Hải đã vượt mức 20.000 ca/ngày.
Thành phố Thượng Hải đã hoàn toàn bị phong tỏa trong vòng 2 tuần, dù rằng nhiều người dân thực ra đã phải ở nhà trong khoảng thời gian dài hơn. Trên khắp đất nước Trung Quốc, ước tính khoảng 373 triệu người, tức khoảng ¼ dân số, hiện đang chịu các biện pháp hạn chế đi lại ở các mức độ khác nhau khi mà giới chức nhiều tỉnh thành quyết ngăn chặn COVID-19 lây lan, theo tính toán của Nomura Holdings.
Các biện pháp trên cũng như các chính sách đi kèm gây tổn hại nghiêm trọng đến tiêu dùng người dân, sản lượng công nghiệp và chuỗi cung ứng, nó gây ra tác động nặng nề lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các biện pháp phong tỏa sẽ chỉ khiến cho mức độ thiệt hại trở nên nặng nề hơn.
Vào đầu tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định Trung Quốc sẽ vẫn duy trì chính sách không COVID-19 bất chấp những khó khăn phải đương đầu và nhiều phản ứng của người dân với các biện pháp hạn chế đi lại. Chính phủ Trung Quốc quan niệm rằng thiệt hại từ việc áp dụng các biện pháp này thấp hơn so với việc để virus lây lan mất kiểm soát trên khắp Trung Quốc.