Tăng trưởng tín dụng bao giờ phục hồi?
(Tài chính) Dự trữ ngoại tệ đã vượt kỳ vọng liệu có liên quan đến mức tăng trưởng tín dụng đang thấp nhất trong vòng nhiều năm?
Mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được phép của Chính phủ đã công bố dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 35 tỷ USD. Riêng trong 4 tháng đầu năm, quỹ dự trữ ngoại hối tăng thêm 10 tỷ USD.
Năm ngoái khi đề cập đến chính sách tiền tệ năm nay, Thống đốc nói: “Chúng ta vẫn sẽ mua được ngoại tệ, song không hy vọng mua được nhiều”. Nay việc mua vào ngoại tệ đã vượt kỳ vọng.
Tỷ giá sẽ ổn định đến hết năm. Điều đó gần như chắc chắn. Còn lại là câu hỏi nguồn cung ngoại tệ từ đâu để NHNN mua vào và liệu nó có liên quan gì đến mức tăng trưởng tín dụng đang thấp nhất trong vòng nhiều năm?
Có thể có 3 nguồn đang chảy vào cung ngoại tệ: Người dân dịch chuyển tiết kiệm từ USD sang tiền đồng; các ngân hàng đã rút bớt 4,3 tỷ USD tiền gửi ở nước ngoài về; giải ngân vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài và kiều hối.
Những nguồn cung bề nổi ấy dễ thấy. Còn một nguồn cung khác khó đo đếm, đó là khu vực sản xuất - xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài đang tăng trưởng mạnh mẽ, hơn hẳn khu vực doanh nghiệp trong nước, nhờ vốn vay trực tiếp từ bên ngoài, có thể qua công ty mẹ. Vay ngoại tệ từ bên ngoài lãi suất thấp hơn nhiều lần vay tiền đồng tại Việt Nam và với sự ổn định của tỷ giá xu hướng vay này sẽ còn đi lên.
Không doanh nghiệp nào muốn vay tiền đồng của ngân hàng Việt Nam dù lãi suất đầu ra ở mức thấp 6-7%/năm nếu họ có khả năng tiếp cận vốn bên ngoài lãi suất 2,5-3%/năm. Chỉ riêng sự chênh lệch này, chi phí tài chính của các doanh nghiệp trong nước đã cao gấp đôi các công ty có khả năng vay vốn bên ngoài.
Mặt khác, để mua được nhiều ngoại tệ, Việt Nam cũng phải trả một khoản chi phí không nhỏ. Khoảng 10 tỉ đô la Mỹ tương đương 210.000 tỉ đồng, tức NHNN phải bơm ra chừng ấy tiền đồng. Để tránh lạm phát và kiểm soát cung tiền, NHNN phát hành tín phiếu hút tiền về. Lãi suất tín phiếu, giả sử ở mức thấp 4%/năm, thì chi phí mà NHNN, hay nói cách khác là ngân khố quốc gia, phải bỏ ra 8.400 tỷ đồng.
Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp có thể vay bên ngoài giảm xuống đã làm sức cầu tín dụng yếu đi phần nào. Bên cạnh đó, do khả năng cạnh tranh thấp (vì giá thành sản xuất bị đội lên bởi chi phí tài chính), các công ty trong nước cũng không có nhu cầu vay tiền ngân hàng. Tín dụng bấp bênh tất yếu diễn ra.
Theo NHNN, đến ngày 26/4, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 0,93% so với đầu năm. Con số này có hơi đột biến so với công bố trước đó của chính NHNN là đến ngày 22/4 tín dụng tăng 0,62%. Nghĩa là trong 4 ngày tín dụng tăng trưởng tới 0,31%.
Nhìn vào cơ cấu tăng trưởng tín dụng không thể không lo ngại vì một lượng vốn rất lớn đã được các ngân hàng đổ vào trái phiếu chính phủ. Từ đầu năm đến ngày 28-4 Kho bạc Nhà nước đã huy động được 81.154 tỉ đồng và 85% số này được mua vào bởi các tổ chức tín dụng. Tín dụng tăng yếu ớt, tăng trưởng GDP có được từ đâu? Phải từ đầu tư công và phần khác là từ nguồn vốn bên ngoài.
Cứ như thế vai trò của các ngân hàng nội trong nền kinh tế sẽ teo tóp đi. Bản thân các ngân hàng đang trong giai đoạn “khô khan” lợi nhuận. Huy động vốn từ dân cư với lãi suất 6%/năm để mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1-2 năm khoảng 4,7-5,6%/năm là lỗ. Chưa kể hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm phải trả lãi huy động cho cục nợ xấu hơn 300.000 tỷ đồng, tức 9,71% nợ xấu trên tổng dư nợ theo số liệu cập nhất mới nhất của Thanh tra NHNN nếu tính cả nợ xấu đã tái cơ cấu theo Quyết định 780.
Gần đây, NHNN đã nỗ lực xây dựng các chương trình tín dụng mới có tính khai thông dòng chảy vốn như cho vay nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản; đóng tàu hỗ trợ ngư dân; tái canh cây cà phê. Những lĩnh vực sản xuất nói trên thực sự cần vốn, đặc biệt là vốn trung, dài hạn, song không phải không có rủi ro.
Một số ngân hàng lưỡng lự giải ngân vào đây vì chi phí thẩm định, kiểm soát việc sử dụng vốn sao cho đúng mục đích và thu hồi vốn tương đối cao. Hiện nay trào lưu cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp cá nhân với lãi suất cao đang được một số ngân hàng hướng tới. Thay đổi tư duy tín dụng để có lợi nhuận ổn định và giảm thiểu rủi ro là bức bách, nhưng không thể làm ngay một sớm một chiều.
Sức mua yếu đang đòi hỏi giá cả hàng hóa phải được kéo xuống. Không có nhân tố nào kích cầu mạnh bằng giá rẻ. Để có sản phẩm giá rẻ, lãi suất phải tiếp tục hạ. Yếu tố căn cơ và mang tính co kéo này sẽ tác động đến tỷ giá và ngược lại. Dự trữ ngoại hối có thể tiếp tục tăng, còn tín dụng bao giờ phục hồi thì khó dự đoán.