Tăng trưởng tín dụng giảm tốc mùa cao điểm

Theo Trần Thúy/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Nhiều năm qua, tín dụng thường tăng trưởng cao hơn trong những tháng cuối năm so với nửa đầu năm - khi mùa cao điểm kinh doanh bắt đầu. Tuy nhiên, năm nay, tình hình đã đảo ngược hoàn toàn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tín dụng tăng chậm “bất thường”

Cập nhật mới nhất từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến 15/8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 9,62%. Trước đó, tính đến 30/6/2022, tăng trưởng tín dụng mà NHNN công bố đã lên tới 9,35%.

Như vậy, tín dụng đang cho thấy dấu hiệu chậm lại rõ rệt khi chỉ tăng thêm 0,27 điểm % trong 1,5 tháng qua. Trong khi nửa đầu năm nay, tín dụng tăng trung bình gần 1,6 điểm % /tháng.

Điều này trở nên khá “bất thường” khi nhiều năm qua, tín dụng thường tăng trưởng cao hơn trong những tháng cuối năm so với nửa đầu năm - khi mùa cao điểm kinh doanh bắt đầu.

Tuy nhiên, như trên, năm nay, dòng vốn đã được đẩy rất mạnh ngay từ đầu năm khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch, doanh nghiệp hoạt động mạnh trở lại khiến nhu cầu vốn tăng tốc mạnh.

Nhu cầu vốn tăng cao khiến nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết “room” tín dụng cho cả năm dù mới đi được một nửa quãng đường. Điều này khiến cho nhiều thành viên lâm vào thế khó khi có tiền nhưng không thể mở rộng cho vay. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp và người dân lại đang trong tình trạng “khát” vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đã phải chủ động giảm quy mô trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ để có thêm dư địa cho vay.

Ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp tài chính doanh nghiệp của Techcombank, cho biết ngân hàng đã tái phân bổ tín dụng bằng cách giảm phần trái phiếu doanh nghiệp lớn để chuyển sang cho vay mua nhà cá nhân. Theo đó, dư nợ trái phiếu giảm từ 77 nghìn tỷ đồng xuống còn 49 nghìn tỷ đồng trong quý II, tương ứng giảm 36%.

Một ngân hàng khác là TPBank cũng đã chủ động giảm tới 4,3 nghìn tỷ đồng số dư trái phiếu doanh nghiệp trong quý II để dành ''room'' cho tăng trưởng tín dụng trong thời gian đầu quý III.

Tương tự tại các ngân hàng lớn, Vietcombank giảm 0,7% lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ so với hồi cuối quý I/2022, xuống còn 11,6 nghìn tỷ đồng trong khi VietinBank cũng giảm 18% quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp, xuống còn gần 11 nghìn tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng cả năm có thể lên 16%?

Trước khó khăn của các ngân hàng cũng như doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã phát đi thông điệp cho biết sẽ sớm bổ sung hạn mức tăng trưởng cho các ngân hàng.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chậm nhất là đầu tuần này sẽ thông báo điều chỉnh nốt phần còn lại của room tín dụng cho các ngân hàng để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, người đứng đầu NHNN cũng nhấn mạnh, phần điều chỉnh lần này vẫn nằm trong con số 14% mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm.

Theo con số trên, thì từ nay tới cuối năm, dư địa tín dụng của toàn hệ thống chỉ còn khoảng hơn 457 nghìn tỷ đồng, nghĩa là chưa đến một nửa nhu cầu tín dụng tính đến giữa tháng 8.

Nhìn vào bức tranh tín dụng chung và triển vọng phục hồi của nền kinh tế, giới phân tích cho rằng, nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn sẽ ở mức cao. Việc siết room tín dụng trong phần lớn thời gian của quý III sẽ phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và mở rộng của các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm.

Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế khi sau 3 tháng thực hiện, số tiền lãi đã hỗ trợ chỉ đạt 13,5 tỷ đồng.

Trong một báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trong thời gian tới, Nhà điều hành có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%.