Tăng trưởng tín dụng năm 2016 chỉ nên ở mức 12 - 15%

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

VEPR cho rằng, mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% cho năm 2016 là quá cao, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại. Do đó đề xuất xem xét mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 ở mức 12-15%, và thực hiện hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất.

VEPR khuyến nghị cơ quan điều hành cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản và định hướng dòng vốn vào khu vực tạo ra tiến bộ về năng suất cao hơn cho nền kinh tế.
VEPR khuyến nghị cơ quan điều hành cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản và định hướng dòng vốn vào khu vực tạo ra tiến bộ về năng suất cao hơn cho nền kinh tế.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)hôm nay (25/1)đãcông bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam (Quý 4/2015), với một số khuyến nghị chính sách cho năm 2016.

Lạm phát có khả năng sẽ quay trở lại

Cụ thể theo VEPR, năm 2015 có mức tăng giá tiêu dùng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, ở mức 0,63%. Tuy nhiên, sau khi loại trừ các mặt hàng lương thực - thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do nhà nước quản lý khỏi rổ hàng hóa, lạm phát lõi của Việt Nam vẫn tăng 2,05% trong năm 2015.

VEPR cho rằng mức lạm phát lõi là tương đối phù hợp và cần được duy trì để giữ kỳ vọng lạm phát ở mức thấp, từ đó giúp cho mặt bằng lãi suất ổn định, tạo thuận lợi cho quá trình hồi phục kinh tế.

Mặc dù vậy, lạm phát có thể đứng trước những biến động mạnh hơn trong năm 2016.Thứ nhất, giá năng lượng và nhiều loại hàng hóa đã ở mức thấp kỷ lục và có khả năng sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ.

Thứ hai, hiện tượng thời tiết El Nino đang tác động bất lợi đến nguồn cung gạo, có thể khiến giá cao hơn trong năm 2016. Lưu ý, quyền số của nhóm hàng lương thực sẽ được điều chỉnh giảm giai đoạn 2016 - 2020 dù vẫn giữ một tỷ trọng cao.

Thứ ba, khả năng tăng giá các nhóm hàng do nhà nước quản lý bao gồm điện, dịch vụ y tế và giáo dục trong năm 2016 là lớn. Thứ tư, tốc độ tăng cung tiền vượt xa GDP danh nghĩa đang tích lũy những rủi ro gây bất ổn về giá. “Chúng tôi cho rằng lạm phát 2016 sẽ ở mức 4-5%”, báo cáo của VEPR viết.

Cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản

Về thị trường ngoại hối, theo VEPR, trong năm 2016 tiềm ẩn những yếu tố rủi ro ngoại sinh, đáng kể nhất là nguy cơ khủng hoảng phát sinh từ các thị trường mới nổi, tuy nhiên các yếu tố quan trọng hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá đều tương đối tích cực. Trung Quốc đang ghi nhận những tín hiệu tương đối tích cực từ khu vực tiêu dùng và dịch vụ, sẽ có nhiều động lực kiểm soát biên độ mất giá của đồng CNY ở mức vừa phải, dưới 5%.

FED đang trong quá trình tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên sẽ gây sức lên tỷ giá trong nước. Chỉ số USD tháng 12 đạt mức 99,39, cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây và vẫn đang trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, với việc FED chưa thực hiện giảm quy mô tài sản nắm giữ, thanh khoản tại các thị trường đang phát triển chưa bị ảnh hưởng thật sự mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư vào nội địa đang có dấu hiệu khả quan sau khi đàm phán TPP được hoàn thành và làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ. VEPR kỳ vọng tỷ giá sẽ không chứng kiến những cú sốc lớn như trong năm 2015, và biến động khoảng 3-4% trong năm 2016.

Tuy nhiên với bất động sản, VEPR cho rằng sự bền vững của thị trường này có thể bị ảnh hưởng nếu chính sách tiền tệ - tín dụng không được định hướng đúng. Số liệu ba quý đầu năm 2015 cho thấy, tín dụng bất động sản tăng 14,59%, cao hơn đáng kể mức tăng tổng tín dụng và cùng kỳ những năm trước. Điều này gây những lo ngại về khả năng tiềm ẩn hình thành bong bóng tài sản mới trong tương lai.

Do những đặc thù về tài sản bảo đảm và khả năng cho vay theo món lớn một cách thuận lợi, các ngân hàng thương mại thường có xu hướng ưu tiên phát triển tín dụng bất động sản hơn cho vay sản xuất kinh doanh thông thường. Do đó, VEPR khuyến nghị cơ quan điều hành cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản và định hướng dòng vốn vào khu vực tạo ra tiến bộ về năng suất cao hơn cho nền kinh tế.

Hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất

Kinh tế Việt Nam đã có sự hồi phục chắc chắn trong năm 2015, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, VEPR cho rằng xu hướng tích cực sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2016, cũng như trong giai đoạn trung hạn 2016 - 2020. Trong đó, quá trình hội nhập kinh tế đang tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam.

Đáng chú ý là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (TPP, EVFTA, AEC) có khả năng tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài phát triển. Xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng đang tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp nhẹ và giải quyết bài toán toàn dụng lao động.

Trên cơ sởđó, VEPR khuyến nghị, về mặt chính sách, cần quay trở lại ưu tiên cao nhất cho các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng kinh tế đã hồi phục.

Thứ nhất, giữ kỷ luật tài khóa để giảm mức bội chi ngân sách, đặc biệt cần có những giải pháp chính sách mạnh mẽ để cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Các khoản chi đầu tư từ nguồn vốn ODA ngoài dự toán cần được kiểm soát chặt chẽ.

Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu điện, nước,... Thứ ba, kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản.

VEPR cho rằng, mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% cho năm 2016 là quá cao, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại, do đó đề xuất xem xét mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 ở mức 12-15%, và thực hiện các biện pháp mang tính thị trường định hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất. Cụ thể, có thể xem xét điều chính tăng hệ số dự phòng chung, hệ số rủi ro với các khoản cho vay lĩnh vực không ưu tiên.

Thứ tư, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016. VEPR cho rằng cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.