Tăng trưởng tín dụng vẫn khó chạm đích
Tuần qua, các ngân hàng đều tăng tốc đẩy vốn ra nền kinh tế thông qua việc giảm mạnh lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng cuối năm. Tuy nhiên, cầu tín dụng tăng nhanh hay không còn phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu tiêu dùng nội địa và đơn hàng xuất khẩu mới.
Tăng trưởng tín dụng vẫn khó về đích
Mặc dù nhu cầu vốn tín dụng tăng, nhiều ngân hàng đang thừa vốn, nhưng tín dụng năm 2023 khó đạt mục tiêu tăng 14% như kế hoạch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh. Nguyên nhân do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn thấp, do sự sụt giảm của thị trường cả trong và ngoài nước.
Tính đến ngày 20/12/2023, theo NHNN tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022. Các ngân hàng dù tích cực đẩy vốn ra thị trường nhưng vẫn khó đạt chỉ tiêu, do nhu cầu vốn không tăng đột biến. Một số ý kiến của chuyên gia cho rằng, từ diễn biến thị trường trong năm 2023 cho thấy, khả năng vay vốn của doanh nghiệp (DN) năm nay xuống rất thấp, việc giảm lãi suất cho vay cũng khó tăng mạnh năng lực hấp thụ vốn của DN. Vì vậy, khó đạt kỳ vọng tăng 14% trong năm nay và mức tăng dự đoán ở khoảng 10-11%, điều này phù hợp với diễn biến của nền kinh tế.
Theo NHNN, trong bối cảnh ngân hàng Trung ương các nước vẫn duy trì lãi suất cao và tiếp tục tăng lãi suất, trên cơ sở cân nhắc bối cảnh, tình hình, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, đưa lãi suất điều hành về mức trước dịch COVID-19 xảy ra. Mặc dù không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, NHNN đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng.
Đồng thời chỉ đạo chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - DN để tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất, các DN thẳng thắn trao đổi những vấn đề đang vướng mắc như không vay được vốn ngân hàng nào, ngân hàng giải thích vì sao không được vay vốn… Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội; gói 15.000 tỉ đồng với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản...
Ông Trần Quốc Hà - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cho biết, thực hiện chỉ đạo của NHNN, chi nhánh đã tích cực phối hợp với ngành chức năng thành phố triển khai 2 hội nghị kết nối Ngân hàng - DN; chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện các chương trình cho vay lĩnh vực ưu tiên, chính sách hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; xử lý và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Theo ông Trần Quốc Hà, ước đến cuối tháng 12/2023, tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh TCTD trên địa bàn đạt 152.000 tỉ đồng tăng 7,17% so với cuối năm 2022 (năm 2022 tăng 17,45%). Nhiều Ngân hàng thương mại đã có các chương trình tín dụng ưu đãi dễ tiếp cận, các DN hoạt động tốt, hiệu quả được vay theo đối tượng ưu tiên với lãi suất 4%/năm. Các gói vay lãi suất ưu đãi hoặc lãi suất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên vẫn được xem là hợp lý và không chênh lệch nhiều, nên các DN ít có nhu cầu thực hiện thêm thủ tục hỗ trợ lãi suất 2%.
Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu đề ra, các DN thiếu đơn hàng, xuất khẩu giảm thì nhu cầu vốn cũng thấp hơn. Khi nhu cầu vốn cho sản xuất, dự trữ hàng hóa, tiêu dùng tăng thì nhu cầu vay vốn sẽ tăng. Hiện nay các ngân hàng có đủ vốn, lãi suất cho vay đã bằng, hoặc thấp hơn trước dịch COVID-19. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 06 giúp khách hàng có thể chuyển dư nợ, lựa chọn ngân hàng có lãi suất phù hợp hơn, nên tháng cuối năm tín dụng tăng nhanh hơn các tháng trước.
Cùng nhau vượt khó
Năm 2023, tăng trưởng tín dụng khó đạt mục tiêu đề ra. Nhiều ý kiến cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN, thì DN cần khắc phục những hạn chế của mình, bởi đó chính là những vấn đề đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay. Bởi vậy, DN nhất là DN nhỏ và vừa cần phải nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính, minh bạch hóa thông tin...
Hiện nay, vấn đề đầu ra sản phẩm của DN gặp khó khăn thì các Bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhưng về phía các DN cần quan tâm hơn đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ, khi hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm… thì mới tăng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hội nghị kết nối Ngân hàng - DN để tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất, các DN thẳng thắn trao đổi những vấn đề đang vướng mắc như không vay được vốn ngân hàng nào, ngân hàng giải thích vì sao không được vay vốn… Theo ông Trần Quốc Hà, việc tương tác giữa ngân hàng và DN là rất cần thiết để hiểu, chia sẻ, nhận diện những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.
Ngày 19/12/2023, NHNN có văn bản gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. NHNN yêu cầu các TCTD cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng, phân khúc khách hàng… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Theo NHNN, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào, đây cũng là điều kiện tốt để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay, để DN, người dân tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất, tiêu dùng cuối năm tốt hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, các ngân hàng cần đơn giản thủ tục cho vay, mở rộng khả năng vay tín chấp để người dân, DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn, mới có thể tăng tín dụng cuối năm.