Tăng trưởng vẫn dựa trên nguồn lực “cổ điển”

Theo Linh Ly/thoibaonganhang.vn

Điểm nghẽn lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế hiện nay là vấn đề năng suất. Tăng năng suất lao động để nền kinh tế đạt tăng trưởng cao và bền vững là con đường tất yếu. Nếu cải cách tổng thể tất cả DNNN có thể tăng 10% sản lượng của nền kinh tế thông qua tăng năng suất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điểm nghẽn lớn nhất: Năng suất

Năng suất và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho tăng trưởng. Nhưng nền kinh tế Việt Nam có tới 1/2 số ngành tăng trưởng giá trị tăng thêm không dựa vào tăng năng suất lao động mà đang tăng trưởng theo bề rộng dựa vào nguồn lực “cổ điển” – nguồn lực vật chất như vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên, TS. Đặng Đức Anh - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nhận xét.

Mức đóng góp của các yếu tố vốn và lao động lên tới 80%, đóng góp từ năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chỉ khoảng 20%. Việt Nam vẫn đang có một khoảng cách lớn về năng suất lao động so với các nước khác trong cùng khu vực và giữa các ngành cũng có khoảng cách lớn. Vì thế tăng trưởng kinh tế không bền vững và nguồn lực vật chất đã tới hạn, tốc độ tăng trưởng đã giảm dần.

Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng tác động đến năng suất lao động. Song nghiên cứu của NCIF cho biết tác động của chất lượng nguồn nhân lực (lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật) đến năng suất lao động còn rất thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự là động lực của tăng trưởng năng suất lao động; trình độ lao động thấp sẽ hạn chế khả năng tiếp thu và chuyển giao công nghệ.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm. Đánh giá này cũng cho biết nhân lực nước ta yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp. Chất lượng lao động không cao dẫn đến hệ quả là năng suất lao động thấp. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới đây, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/5 so với Malaysia, bằng 2/5 Thái Lan và 1/15 lao động Singapore.

Thày thiếu, thợ thiếu nhưng thiếu thợ nhiều hơn

Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ đào tạo trung cấp (lao động được đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng). Tỷ lệ lao động trẻ tuổi và chưa qua đào tạo rất lớn là rào cản của tăng năng suất lao động của Việt Nam. Lao động bậc trung chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu. Trong giai đoạn 2010-2015 tỷ lệ thiếu hụt trình độ chuyên môn kỹ thuật chung của cả nền kinh tế tăng từ 28% lên tới gần 33%.

Nền kinh tế còn xảy ra tình trạng sử dụng bất hợp lý nguồn nhân lực, tỷ lệ không sử dụng hết trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam tăng từ 16% lên 24%. “Chúng ta hay nói câu “thừa thầy, thiếu thợ” nhưng xem tỷ lệ thì chúng ta thiếu cả thầy, cả thợ nhưng thiếu thợ nhiều hơn... phải tập trung cho nhóm công nhân kỹ thuật bậc trung để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế”, PGS.TS.Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết.

Tăng trưởng vẫn dựa trên nguồn lực “cổ điển” - Ảnh 1
Năng suất lao động

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu và rộng nhưng tác động tích cực hội nhập tới năng suất là không nhiều, ngược lại, hội nhập có thể tạo ra tác động tiêu cực tới năng suất nếu như năng lực hấp thụ công nghệ của DN kém, môi trường kinh doanh, đầu tư không được cải thiện phù hợp.

Đã đến lúc phải tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao khoa học công nghệ và năng suất lao động. Tăng năng suất lao động để nền kinh tế đạt tăng trưởng cao và bền vững là con đường phải chọn. Để cải thiện năng suất lao động, Giáo sư John FitzGerald, Đại học Trinity Dublin cho rằng, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Vốn, khoa học công nghệ và con người. Các chuyên gia Việt Nam cũng đồng thuận quan điểm nâng cao chất lượng đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.  Muốn vậy “đổi mới thể chế trong giáo dục là vấn đề cấp bách”, TS.Lưu Bích Ngọc (Đại học Kinh tế quốc dân) có ý kiến.  

Và bên cạnh tăng cường hội nhập, Nhà nước cần tăng cường cải cách kinh tế và thể chế trong nước để tận dụng được các kênh tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực. Cải cách thể chế giúp nền kinh tế ứng phó tốt với những điều kiện thay đổi và thúc đẩy đổi mới, tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của DN, tránh được vấn đề lợi ích nhóm và công nghệ lạc hậu, qua đó sẽ làm tăng năng suất của cả nền kinh tế. 

NCIF cho thấy, hai nhân tố quan trọng đóng góp cho năng suất và đổi mới sáng tạo là đầu tư công và cải cách DNNN. Nếu cải cách tổng thể DNNN có thể tăng 10% sản lượng của nền kinh tế thông qua tăng năng suất. Nếu tăng năng suất của DNNN lên 2% sẽ tăng 1,14% GDP, 2,26% sản lượng công nghiệp và 1,15% sản lượng xuất khẩu.  Và đổi mới công nghệ có tác động tích cực đến tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Nếu các DNNVV áp dụng đổi mới công nghệ sẽ làm tăng năng suất các nhân tố tổng hợp thêm khoảng 25%, theo NCIF. Chiến lược công nghệ vững chắc, quy trình mới và sản phẩm mới sẽ được chuyển thành sự gia tăng hiệu quả trong thị phần dẫn đến sự phát triển của DN mạnh mẽ hơn trong dài hạn.  

 “Nâng cao năng suất lao động là vấn đề mang tính chiến lược và lâu dài cần xây dựng và thực thi một Chương trình nâng cao năng suất mang tính tuần tự, bao trùm và lâu dài giống như Phong trào Năng suất của Singapore”, TS. Cao Ngọc Lân (Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất.