Tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại
Tăng xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ, Việt Nam đến gần hơn nguy cơ bị cáo buộc thao túng tiền tệ trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang cố gắng đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc tại vòng đàm phán diễn ra trong tháng 10 này.
Chín tháng năm 2019, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 44,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. “Việc Việt Nam trở thành một trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý III/2019 và lượng dự trữ ngoại hối đạt hơn 71 tỷ USD, đã đưa Việt Nam tới gần cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ”, PGS-TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cảnh báo.
Cảnh báo từ người đứng đầu VEPR là có cơ sở. Số liệu ước tính lần thứ ba của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý II/2019 đã sụt giảm, chỉ đạt 2% so với quý trước và 2,28% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do suy thoái trong đầu tư, hàng tồn kho và chiến tranh thương mại ngày một căng thẳng gây ảnh hưởng nặng nề tới giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như nông sản xuất khẩu của Mỹ. Do đó, trong 11 tháng đầu của năm tài khóa, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới 1.067 tỷ USD, tăng 19% so với mức thâm hụt cùng kỳ của tài khóa trước.
Hiện lạm phát của Mỹ vẫn ở mức 1,75%, nhưng với tình hình sản xuất và suy giảm thương mại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hai lần hạ lãi suất vào tháng 7 và tháng 9 vừa qua, xuống mức 1,75% và 2%, trong khi các chỉ báo về sản xuất và dịch vụ đều sụt giảm mạnh trong quý III. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 của Mỹ đã giảm xuống còn 52,6 điểm, mức thấp so với cùng kỳ năm trước.
“Việt Nam nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, khách quan và giữ lãi suất ổn định, để đối mặt với bất ổn của kinh tế thế giới”- PGS-TS. Nguyễn Đức Thành
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chuyển biến khó dự đoán đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu. Xuất khẩu của Việt Nam đang hứng chịu cú sốc này, tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, bằng 73,9% kế hoạch năm. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với đà tăng cùng kỳ của giai đoạn 2017-2018 với tăng tương ứng 20,6% và 15,8%.
“Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề án kiểm soát những bất thường về xuất nhập khẩu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang”, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương - ông Lương Hoàng Thái cho biết. Theo ông Thái, đến nay chưa có bằng chứng về việc hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Với những quy định, chế tài, kiểm soát nghiêm ngặt của Hải quan Việt Nam, hàng Trung Quốc gần như không có khả năng “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, ông Thái cũng cảnh báo việc thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng nhanh có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam, thậm chí đưa Việt Nam vào tầm ngắm của việc kiểm tra để tránh hàng Trung Quốc “đội lốt” vào Mỹ, ảnh hưởng tới xuất khẩu của doanh nghiệp. Ông lưu ý các doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng các giải pháp thúc đẩy đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu, tránh việc phát triển “quá đà” để rơi vào tình trạng dư thừa sản lượng khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận xuất khẩu trở lại.