Tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội từ 1/12
Ngày 28/11, với 458/459 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định tuổi của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thống nhất theo Bộ luật Lao động và Luật Công an nhân dân; đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu phù hợp cho từng quân, binh chủng, phù hợp với tính chất, môi trường, địa bàn công tác; giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về độ tuổi nghỉ hưu ở một số chức danh chỉ huy, quản lý nhưng không cao hơn độ tuổi theo cấp bậc quân hàm.
Về vấn đề này, do cơ cấu, tổ chức, tính chất, nhiệm vụ, đối tượng tác chiến của Quân đội và Công an khác nhau, nếu tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Quân đội bằng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Công an nhân dân hoặc bằng tuổi của người lao động theo Bộ luật Lao động sẽ không bảo đảm cho sĩ quan, nhất là sĩ quan ở các đơn vị sẵn sàng chiến đấu có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Hằng năm, Quân đội vẫn phải tuyển sinh quân sự để sắp xếp và trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp phân đội, nếu tăng thêm tuổi so với dự thảo Luật sẽ gây dôi dư, ùn tắc trong đội ngũ sĩ quan.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan như dự thảo Luật vừa giữ gìn được đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe trong chỉ huy, quản lý, nghiên cứu, tham mưu và số cán bộ có chuyên môn trình độ cao để có nhiều thời gian phục vụ Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại; bảo đảm sĩ quan cơ bản có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ như dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị quy định đối với cán bộ chỉ huy cấp chiến lược thì thực hiện theo độ tuổi quy định, cán bộ chỉ huy ở các đơn vị tập trung, đủ quân, trực tiếp sẵn sàng chiến đấu thì độ tuổi phục vụ sẽ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan gắn liền với cấp bậc quân hàm, phù hợp với hạn tuổi cao nhất của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị và được quy định thống nhất. Hệ thống tổ chức và cấp bậc quân hàm sĩ quan Quân đội được tổ chức theo hình tháp, nhu cầu phát triển lên chức vụ, cấp bậc quân hàm càng cao thì càng bị thu hẹp, sĩ quan giữ chức vụ và cấp bậc quân hàm thấp phải trẻ hơn sĩ quan giữ chức vụ và cấp bậc quân hàm cao.
Vì vậy, đối với sĩ quan chỉ huy, quản lý đơn vị, thời gian giữ mỗi chức vụ chỉ ổn định trong một thời gian nhất định và phải thay đổi để trẻ hóa, hạn chế tình trạng ùn tắc ở cấp trên, thiếu hụt cấp dưới. Do đó, để bảo đảm chất lượng, sự phát triển của sĩ quan và cân đối về số lượng cán bộ giữa các cấp, các chức nên độ tuổi phải được giãn cách hợp lý. Việc điều chỉnh tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan như dự thảo Luật nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn và lao động đặc thù nêu trên.
Có ý kiến đề nghị đánh giá tác động đến quỹ bảo hiểm xã hội, làm rõ tỷ lệ hưởng lương đối với sĩ quan sau khi tăng tuổi phục vụ tại ngũ từ 01 đến 05 tuổi. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho hay, sau khi tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất đối với sĩ quan từ 01 - 05 tuổi, sẽ tăng thêm thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội ở mức đóng cao nhất đối với sĩ quan trước khi nghỉ hưu, làm gia tăng sự tích lũy đối với quỹ bảo hiểm xã hội, tăng thêm sự bảo toàn, tăng trưởng và cân đối quỹ trong dài hạn.
Đồng thời, thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội góp phần an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước.