Ngành Hải quan tập trung lực lượng xây dựng hải quan số
Trong những năm qua, ngành Hải quan đã tập trung lực lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan nhằm hiện đại hoá, hướng tới xây dựng hải quan số.
Sớm hoàn thành mục tiêu thực hiện hải quan điện tử
Coi trọng công tác chuyển đổi số, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hiện đại hoá, thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trong lĩnh vực hải quan, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Về cơ bản, thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh đã được thực hiện thông qua hệ thống, như: khai, nộp hồ sơ hải quan, phân luồng kiểm tra, trừ lùi giấy phép, thông quan hàng hoá...
Ngay từ năm 2020, ngành Hải quan đã hoàn thành mục tiêu thực hiện hải quan điện tử với điểm nhấn là hoàn thành 5E: E-Declaration (thủ tục hải quan điện tử), E-payment (thanh toán thuế điện tử); E-C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng phương thức điện tử); E-Permit (giấy phép điện tử) và E-Manifest (bản lược khai hàng hóa điện tử). Trong đó, nổi bật là việc triển khai hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS tại 100% các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, 100% các Chi cục Hải quan trên cả nước với 100% các loại hình hải quan cơ bản, trên 99,56% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong những lĩnh vực quản lý về hải quan đã đóng góp tích cực vào tạo thuận lợi thương mại. Theo thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình mỗi năm của cả nước tăng 23%, số thuế thu được trung bình mỗi năm tăng 9,2%; số lượng tờ khai hải quan trung bình mỗi năm tăng 22%. Năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 649,96 tỷ USD tương ứng với hơn 14 triệu tờ khai, trong đó xuất khẩu đạt 337,62 tỷ USD và nhập khẩu đạt 312,35 tỷ USD.
Hiện nay, mỗi năm ngành Hải quan giải quyết khoảng 15 triệu hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hải quan giúp ngành Hải quan đáp ứng được khối lượng công việc ngày càng tăng trong bối cảnh biên chế không tăng.
Kịp thời kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các hiệp định thương mại tự do đã được nộp dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc bản scan từ bản chính nếu đã có thông tin trên Cổng thông tin điện tử do Bộ Công Thương công bố.
Công tác quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển, cảng hàng không đã được thực hiện tự động. Việc giám sát hàng hóa vận chuyển bằng container được thực hiện bằng seal định vị điện tử; việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện bằng máy soi container tại hầu hết các địa bàn trọng điểm có lưu lượng hàng hóa lớn.
Ngành Hải quan cũng đã tổ chức, vận hành có hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Đến nay, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối 13 Bộ, ngành, với 250 thủ tục hành chính và trên 6,7 triệu bộ hồ sơ của gần 70 nghìn doanh nghiệp được xử lý.
Cùng với cơ chế một cửa, Tổng cục Hải quan đã triển khai kết nối để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN; trao đổi thông tin C/O điện tử giữa Việt Nam – Hàn Quốc và đang phối hợp với các nước ASEAN để chuẩn bị trao đổi chính thức dữ liệu tờ khai hải quan ASEAN theo kế hoạch và chuẩn bị kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2024. Ngoài ra, các nước cũng đang xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác khác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nhiều thủ tục hành chính đã được thay thế bằng việc kết nối, trao đổi dữ liệu tờ khai hải quan điện tử đã giúp bãi bỏ một số thủ tục hành chính, tiết kiệm nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý và chi phí cho doanh nghiệp, như: Bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc; Bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai hàng viện trợ. Các thủ tục hành chính cũng được ngành Hải quan triển khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, đã có 215/237 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được thực hiện ở cấp độ 3, 4, trong đó 98 thủ tục đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Những kết quả nêu trên đã được Chính phủ, các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao, tạo tiền đề cho việc tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để hoàn thành và phấn đấu là đơn vị đi đầu trong kế hoạch chung về chuyển đổi số của Chính phủ.