Tạo hành lang pháp lý giải quyết “nợ ảo”, phản ánh đúng thực trạng nợ thuế
Nhiều nước trên thế giới đã có cơ chế khoanh nợ và xóa những khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi nhằm giảm những khoản “nợ ảo”. Đó cũng là một trong những nội dung trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hiện đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV có phạm vi sửa đổi rộng, bổ sung nhiều nội dung mới (dự kiến sửa đổi 108/120 điều và bổ sung 32 điều mới) hướng tới mục tiêu tạo các quy định rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra về chức năng và đối tượng, tạo cơ sở pháp lý cho hệ thống quản lý thuế hiện đại trong thời gian tới.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Luật là việc bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và sửa đổi bổ sung quy định về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Nợ không có khả năng thu hồi chiếm hơn 42% tổng nợ thuế
Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 30/9/2018, tổng số tiền nợ thuế ngành Thuế đang quản lý là 82.961 tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng dự toán thu nội địa năm 2018. Trong đó, riêng số tiền nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh (nợ không có khả năng thu hồi) là 34.942 tỷ đồng, chiếm hơn 42% tổng nợ thuế, tăng 3.473 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2017.
Dù đã có nhiều biện pháp thu hồi nợ đạt hiệu quả cao, nhưng đến nay tổng nợ thuế vẫn tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân chính là do nợ thuế không có khả năng thu hồi đang chiếm 42% tổng nợ thuế và sẽ còn tiếp tục tăng cao do bị phạt chậm nộp 0,03%/ngày.
Cụ thể, Luật Quản lý thuế hiện hành quy định người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày, kể cả người nộp thuế thực tế không còn đối tượng để thu; Người nộp thuế đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; Người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh; Doanh nghiệp chờ giải thể; Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Quy định trên dẫn đến tiền chậm nộp của nhóm đối tượng không có khả năng thu liên tục tăng trên sổ sách của cơ quan thuế, nhưng là nợ ảo, tạo áp lực về chi phí, nhân lực cho cơ quan thuế trong việc theo dõi quản lý nợ thuế. Thực tế này đòi hỏi cần có hành lang pháp lý để giải quyết khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi này.
Do đó, việc bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và sửa đổi bổ sung quy định về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tại Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục được thực trang trên.
Tạo hành lang pháp lý giải quyết "nợ ảo"
Theo Dự thảo Luật, người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ được khoanh nợ thuế. Quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế, khi mà nợ phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, Bổ sung quy định xóa nợ thuế đối với Chủ doanh nghiệp tư nhân đã chết, trong khi Luật hiện hành chỉ quy định xóa nợ đối với cá nhân đã chết; Bổ sung cụ thể quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế có số tiền nợ từ 10 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế có số tiền nợ thuế đến dưới 10 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 05 tỷ đồng. Cục trưởng cục thuế, Cục trưởng Cục hải quan xoá nợ đối với trường hợp nợ nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 01 tỷ đồng.
Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng
Trao đổi về quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và sửa đổi bổ sung quy định về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tại Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho biết, việc xóa nợ và khoanh nợ thuế là giải pháp được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới.
Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp rất đa dạng nên việc chậm nộp của các doanh nghiệp rất phức tạp. Do đó, đại biểu Ánh Tuyết cho rằng, cần có những cơ chế thích ứng cho từng loại hình kinh doanh để tránh lạm dụng chính sách, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Đồng quan điểm trên, PGS.,TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho biết, để phản ánh trung thực thực trạng nợ thuế và giảm áp lực không thực sự cần thiết trong quản lý cho cơ quan thuế, giảm tình trạng nợ ảo do các khoản nợ không thể thu hồi bị tính tiền phạt chậm nộp, một số nước đã thực hiện chính sách xóa nợ thuế cho những đối tượng nợ thuế đã chết, mất tích, phá sản, không còn khả năng thanh toán các khoản nợ thuế với ngân sách.
Do vậy, quy định về xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế, khi mà nợ phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi.
“Quy định trên nếu được Quốc hội thông qua sẽ là một bước ngoặt lớn, giúp giảm nợ ảo cho ngân sách, giảm áp lực quản lý cho cơ quan thuế. Qua đó, cơ quan thuế sẽ tập trung được nguồn nhân lực vào công tác khác như thanh tra, kiểm tra chống thất thu. Đồng thời, việc khoanh nợ cho những khoản nợ chưa thể thu hồi cũng là biện pháp tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách.” - PGS.,TS. Lê Xuân Trường nhận định.
Bàn về nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, trong thời gian qua, tình trạng nợ thuế, trốn thuế diễn ra rất phức tạp, thu hồi nợ thuế và trốn thuế còn nhiều khó khăn. Do đó, việc quy định chặt chẽ về phạt nộp chậm và xoá nợ thuế là cần thiết.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm, khoanh nợ, xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp là chủ trương hoàn toàn phù hợp. Xóa nợ thuế có thể mất một khoản cho ngân sách nhưng doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại có thể sẽ phục hồi, tạo ra nguồn thu ngân sách. Ông Long cho rằng, quan trọng là quá trình thực thi phải bảo đảm đưa ra tiêu chí, nguyên tắc nhất định và thực thi đúng; có thanh kiểm tra để bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng.