Tạo nền tảng cho tăng trưởng năm 2023

Theo Tô Hà/nhandan.vn

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi rất nhanh vào cuối năm. Trong giai đoạn này, những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế cũng đã bộc lộ rõ và được nhận diện, tìm giải pháp khắc phục.

Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Tân Vũ, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đăng Duy
Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Tân Vũ, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đăng Duy

Với kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chín tháng qua đạt mức cao hơn kỳ vọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước thực hiện cả năm có 14 trong tổng số 15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Dự báo cả năm 2022, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, tạo nền tảng cho tăng trưởng năm 2023 đạt 6,5%.

Đề xuất nới chỉ tiêu lạm phát lên 4,5%

"Khi chuẩn bị xây dựng Kế hoạch 2023, chúng tôi đã phải phối hợp các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế để phân tích, dự báo tình hình, rà soát các động lực tăng trưởng nhằm đưa ra con số hợp lý nhất", Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ về con số dự kiến tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2023 như phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Cơ sở của đề xuất này dựa trên căn cứ dữ liệu đánh giá nền kinh tế vẫn đang trong đà phục hồi tốt và khả năng chịu cú sốc lớn từ bên ngoài rất ít. Nhưng bối cảnh các dự báo của nhiều tổ chức quốc tế và trong nước đều cho rằng năm 2023 vẫn là một năm nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí yếu tố khó khăn là chủ đạo thì khó có thể kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt mức cao như hiện nay. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến mức tăng trưởng năm 2023 đạt khoảng 6,5% là hợp lý.

Động lực tăng trưởng của nền kinh tế đến từ nhiều thành tố khác nhau, như tiêu dùng nội địa, đầu tư công, xuất khẩu… và nhất là sự phục hồi được dự báo sẽ mạnh mẽ hơn đối với ngành dịch vụ. Thứ trưởng Trần Quốc Phương phân tích: Năm nay, mặc dù dịch vụ có sự phục hồi tích cực nhưng chưa thể như trước dịch, vì chín tháng mới đón được hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế (trước đại dịch COVID-19, mỗi tháng cả nước đón hơn một triệu lượt khách quốc tế, năm 2019 đón 18 triệu lượt khách). Rà soát ở phía cung cho thấy, chúng ta có thể kỳ vọng năm 2023, lĩnh vực dịch vụ sẽ phục hồi hoàn toàn và để phục hồi tốt, cần có các giải pháp đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng xu hướng mới của thị trường.

Theo đó, phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế ban đêm góp phần tăng chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch; cơ cấu lại thị trường khách theo hướng bền vững, hiệu quả, nhắm vào thị trường khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao… Đáng chú ý, đối tác thương mại chính của Việt Nam là Trung Quốc có thể thay đổi chiến lược phòng, chống dịch và sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam thông qua hoạt động thương mại và đầu tư.

Nhưng đằng sau mức tăng trưởng cao dự kiến đạt được trong năm nay cũng đặt ra nhiều áp lực trong công tác điều hành cho năm 2023. Áp lực đến từ rủi ro lạm phát cao do độ mở lớn của nền kinh tế; nguy cơ đứt gãy nguồn cung như đã xảy ra trong đại dịch COVID-19 nếu xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài và yếu tố khác đến từ trong nước là rủi ro thiên tai thường xảy ra vào cuối năm. Đây là những mối lo nhưng cũng là những vấn đề cần nhận diện để chủ động sẵn sàng ứng phó một cách hiệu quả. Trên cơ sở đặt mục tiêu hàng đầu là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và để phù hợp với diễn biến tình hình mới, Chính phủ đề xuất chỉ tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%.

Thi công cầu sông Hồng nối liền hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định) thuộc Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nguyễn Thơi
Thi công cầu sông Hồng nối liền hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định) thuộc Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nguyễn Thơi

Gỡ điểm nghẽn năng suất lao động, đầu tư công

Trong bức tranh kinh tế tích cực của năm 2022, vẫn có vùng xám thể hiện ở tốc độ tăng năng suất lao động và đầu tư công. Năng suất lao động là chỉ tiêu duy nhất dự kiến không hoàn thành, còn đầu tư công là điểm nghẽn của tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Cụ thể, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động Quốc hội giao là 5,5%, ước thực hiện là 4,7% đến 5,2%, thấp hơn mục tiêu trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng hai điểm phần trăm so kế hoạch; GDP bình quân đầu người cũng vượt kế hoạch đề ra. Đây là vấn đề cần làm rõ hơn để đánh giá về động lực tăng trưởng giai đoạn hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, năng suất lao động Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực và có nguy cơ tụt hậu. Giải pháp cho mục tiêu nâng cao năng suất lao động của toàn nền kinh tế là phải chú trọng nâng cao năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp. Để rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, trong thời gian tới, các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, áp dụng khoa học-công nghệ hiện đại, có chính sách sử dụng lao động, vốn đầu tư một cách có hiệu quả nhằm nâng cao quy mô cũng như tốc độ tăng năng suất lao động. Quá trình này không thể thiếu vắng sự hỗ trợ, "tiếp sức" của cơ chế, chính sách của Chính phủ, nhất là trong đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Liên quan đến đầu tư công, số liệu cập nhật của Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân đầu tư công 9 tháng đạt hơn 253.148 tỷ đồng, bằng 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và giảm nhẹ so mức giải ngân 47,38% của cùng kỳ năm 2021.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp 25 điểm tồn tại, khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư công, chia thành ba nhóm khác nhau và đề xuất tám nhóm giải pháp cần tập trung tháo gỡ, thúc đẩy giải ngân vốn. Trong đó có những vấn đề đáng lưu ý như: Công tác chuẩn bị dự án phải làm rất chi tiết, từ sớm để đến khi vào kế hoạch là làm được ngay; đôn đốc, nâng cao năng lực nhà thầu, công tác quản lý để thủ tục hành chính được thực hiện nhanh; hoàn thiện thể chế, pháp luật vì hoạt động đầu tư công liên quan đến nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Tài nguyên Môi trường... Đây là nhiệm vụ mang tính dài hơi, căn cơ, cần tiếp tục theo dõi để điều chỉnh kịp thời, nhằm khơi thông vốn "mồi" lan tỏa mạnh mẽ vào từng lĩnh vực của nền kinh tế.

Trong khó khăn, sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam ngày càng được tăng cường, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài cũng đã tốt hơn để sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới.