Tạo nền tảng Để thị trường bảo hiểm Việt nam phát triển bền vững, minh bạch
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước bước vào giai đoạn phục hồi sau những biến động lớn, ngành bảo hiểm tại Việt Nam bước vào năm 2025 với những cơ hội và thách thức mới. Đây là thời điểm quan trọng để thị trường bảo hiểm tái thiết, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững và minh bạch. Việc đổi mới mô hình kinh doanh, đầu tư vào chất lượng nhân lực và công nghệ không chỉ giúp ngành bảo hiểm khẳng định vị thế trong nền kinh tế quốc gia mà còn mở ra cánh cửa phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế.
Tiên phong đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân
Bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nền kinh tế trong năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, biến cố ngoài ý muốn là sự “càn quét” của cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão tại các tỉnh, thành phía Bắc đã tàn phá nặng nề kinh tế một số địa phương, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong bối cảnh khó khăn, thuận lợi đan xen, Bảo hiểm một lần nữa khẳng định vai trò là “tấm khiên” bảo vệ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời là động lực cho sự phát triển bền vững của Đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi bão tan, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật; Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hỗ trợ nhân đạo cho những nạn nhân bị ảnh hưởng do bão.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã dồn toàn lực, huy động nhân lực, tập trung cao nhất đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường, nhằm hỗ trợ khách hàng, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã bổ sung nhân sự, trực hotline để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, nhằm ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bồi thường bảo hiểm.
Tính đến ngày 09/01/2025, trên cơ sở báo cáo của 31/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19/19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường 956,5 tỷ đồng. Ước tính, tình hình thiệt hại, tạm ứng và bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm như sau: Về người: 161 vụ, số tiền bảo hiểm ước tính là 25,7 tỷ đồng. Về tài sản và các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác: 14.622 vụ, ước tính thiệt hại là 10.849,2 tỷ đồng.
Qua ghi nhận thực tế, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng chịu ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh sau đợt bão lũ lịch sử hồi tháng 9/2024, tuy nhiên, nhờ có sự chủ động các phương án tái bảo hiểm và quản trị rủi ro, nên năng lực tài chính của các doanh nghiệp cơ bản đều được đảm bảo. Hiện nay, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả, đặc biệt là các nghiệp vụ bảo hiểm có giá trị thiệt hại và mức trách nhiệm cao do liên quan tới các hoạt động tái bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam với các nhà tái bảo hiểm nước ngoài.
Có thể nói, đến thời điểm này, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong năm 2024. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 1.007.204 tỷ đồng, tăng 10,88%; các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 850.075 tỷ đồng, tăng 13,17%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 210.124 tỷ đồng, tăng 6,45%.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.495 tỷ đồng, giảm 0,26%. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 93.906 tỷ đồng, tăng 17,94% so với cùng kỳ năm trước - đây là chỉ tiêu tăng mạnh nhất, phần nào cho thấy sự nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như vai trò của ngành Bảo hiểm đối với nền kinh tế.
Không ngừng cải cách và hoàn thiện thể chế
Thời gian qua, Bộ Tài chính tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững, đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ Tài chính các nội dung hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ để hỗ trợ kênh cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng phát triển theo hướng bền vững; Siết chặt quản lý thị trường bảo hiểm theo hướng minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích của khách hàng.
Đồng thời, công tác quản lý, giám sát cũng được tăng cường, góp phần củng cố kỷ cương, kỷ luật thị trường, trong đó bao gồm cả việc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động, tư vấn, cung cấp dịch vụ của các đại lý bảo hiểm, như đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ đại lý…
Nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo hướng rà soát các hành vi cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ do có sự thay đổi của pháp luật và theo thực tiễn công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như: Tăng mức xử phạt bằng tiền đối với một số hành vi liên quan đến việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm (khai thác bảo hiểm), trích lập dự phòng nghiệp vụ, đại lý bảo hiểm; Quy định hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với quy định mới và thực tiễn công tác xử phạt vi phạm hành chính; Bổ sung các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định mới được bổ sung tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15: Vi phạm quy định về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ; không thực hiện trách nhiệm khi bị áp dụng biện pháp kiểm soát; công khai thông tin; Sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt liên quan đến chế độ báo cáo, tái bảo hiểm, đầu tư, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, triển khai bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm bắt buộc; một số quy định về vốn…
Với những giải pháp quyết liệt và kịp thời, các doanh nghiệp bảo hiểm đã nghiêm túc thực hiện và rà soát tổng thể quy trình bán hàng, thẩm định, quy trình dịch vụ khách hàng bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Nhằm hỗ trợ khách hàng hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm đã tham gia, các doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải công khai thông tin liên quan tới nội dung khách hàng cần lưu ý đối với từng sản phẩm bảo hiểm theo quy định.
Hơn nữa, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chấn chỉnh công tác thẩm định cấp hợp đồng bảo hiểm; rà soát toàn bộ công tác đào tạo đại lý bảo hiểm đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng thực hiện giám sát độc lập hoạt động cung cấp thông tin và tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung ủy quyền tại hợp đồng đại lý của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Tăng trưởng từ nền tảng vững chắc
Bước sang năm 2025, ngành Bảo hiểm Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để vươn lên mạnh mẽ. Thị trường bảo hiểm được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số dựa trên nền vững chắc của kinh tế vĩ mô đã hồi phục và trên đà phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm đã có nhiều thay đổi tích cực sau sự cố thiên tai lịch sử, góp phần khôi phục và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với thị trường bảo hiểm.
Thời gian qua, ngành Bảo hiểm cũng không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giàu kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ. Sự phát triển của các công ty bảo hiểm nội địa, cùng sự gia nhập của nhiều tập đoàn bảo hiểm quốc tế, hứa hẹn sẽ mang đến một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo đà cho ngành bứt phá.
Dù có không ít thách thức phải vượt qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển và đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng an toàn, bền vững của nền kinh tế đất nước, nhất là trong giai đoạn đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới.
Để tiếp tục hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai các sản phẩm bảo hiểm có tính đặc thù, sản phẩm bảo hiểm có tác động an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế xã hội như bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm thiên tai, liên kết bảo hiểm y tế thương mại và bảo hiểm y tế xã hội…
Hai là, tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm: tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao năng lực tài chính, quản trị tài chính, từ đó tăng sức cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và quy định pháp luật;
Ba là, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm: Nâng cao vai trò và trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp; Tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực khác có liên quan trong phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, phương thức kinh doanh mới và quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
Bốn là, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm và kênh phân phối bảo hiểm: Khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nhiều hoạt động kinh tế và đời sống.
Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm: Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm và tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2022), Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15;
- Chính phủ (2023), Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 05/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030;
- Bộ Tài chính (2023), Thông tư số 67/2023/TT-BTC, Hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.