Tạo quyền chủ động cho DATC trong tổ chức, hoạt động

PV.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến tham gia góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 135/2015/TT-BTC về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và quy định mới về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC.

DATC tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc đối với Ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban Tổng Giám đốc DATC, ngày 27/4/2021
DATC tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc đối với Ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban Tổng Giám đốc DATC, ngày 27/4/2021

Việc ban hành Thông tư là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC và các quy định của pháp luật hiện hành như Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước… 

Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm là quyền hạn của DATC trong việc thành lập các phòng, ban theo yêu cầu thực tiễn hoạt động. Theo đó, tại Điều 15 của dự thảo Thông tư, về quyền của DATC (tại Điều 15) có sửa đổi, bổ sung các nội dung:

Về tổ chức bộ máy, DATC chủ động quyết định việc thành lập các Ban chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu hoạt động của Công ty, không phải xin ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính như quy định hiện nay tại Thông tư số 135/2015/TT-BTC.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sửa đổi, bổ sung là hết sức cần thiết để đảm bảo thống nhất, phù hợp với Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, theo đó việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị hạch toán phụ thuộc mới cần có ý kiến phê duyệt/chấp thuận của Bộ Tài chính. 

Cùng với đó, dự thảo Thông tư cũng đã bổ sung khoản 3 Điều 15, quy định DATC thực hiện các quyền của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và, Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đây là nội dung mới so với cơ chế hiện nay. 

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng nêu rõ nghĩa vụ của DATC khi dẫn chiếu theo Điều 10 Nghị định số 129 và thực hiện nghĩa vụ đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. 

Về hoạt động của DATC, dự thảo Thông tư bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 13. Theo đó, các hoạt động DATC được thực hiện theo quy định tại nghị định để kiểm soát rủi ro hoạt động, an toàn vốn. Dự thảo nêu rõ: giao “Hội đồng thành viên DATC có trách nhiệm ban hành Quy chế kiểm soát rủi ro đối với hoạt động kinh doanh mua, bán nợ, tài sản và Quy chế kiểm soát rủi ro đối với hoạt động cung cấp tài chính, bảo lãnh vay vốn đối với các DN tái cơ cấu”.

Về mô hình tổ chức, quản lý Công ty, dự thảo Thông tư đã kế thừa các quy định tại Điều lệ hiện nay và cập nhật các nội dung quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, Nghị định số 129/2020/NĐ-CP của Chính phủ. 
Mặt khác, để đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định của Nhà nước, dự thảo Thông tư còn bổ sung quy định: Định kỳ hàng năm hoặc mỗi giai đoạn theo quy định, Hội đồng thành viên DATC xây dựng, rà soát bổ sung điều chỉnh quy hoạch người quản lý doanh nghiệp;

DATC được đề xuất chủ trương bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, có ý kiến về các trường hợp từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu của người quản lý doanh nghiệp trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Với những quy định tại dự thảo Thông tư sửa đổi trên, khi được thông qua và ban hành chắc chắn sẽ tạo thêm lực đẩy để DATC chủ động hơn trong tổ chức hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình.