Tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Theo kết luận Hội nghị chuyên đề về "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến" của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả 2 trụ cột: Kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ và tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thời gian qua, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho số hóa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai tích cực. Thủ tục hành chính tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng cao.
Từ năm 2021 đến nay, đã cung cấp thêm gần 1,8 nghìn dịch vụ công trực tuyến, đạt 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số thủ tục hành chính. Đặc biệt, đã triển khai 45/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.
Bên cạnh những kết quả trên, công tác dịch vụ công trực tuyến còn một số tồn tại, hạn chế như: Xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách cần phải thực hiện tốt hơn; Cách thủ tục hành chính vẫn còn chậm, thủ tục còn rườm rà; Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét, không đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia còn nhiều bất cập...
Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, định hướng, yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các cấp quán triệt với khí thế tiến công mạnh mẽ, phát huy tinh thần "1 mục tiêu", "2 trụ cột", "3 đột phá", "4 không", "5 đẩy mạnh, tăng cường".
Cụ thể: Bảo đảm thực hiện “1 mục tiêu” cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ và tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, góp phần thay đổi phương thức lãnh đạo, tăng cường phản ứng chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan nhà nước.
Tập trung triển khai hiệu quả “2 trụ cột”: Kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ; Tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thực hiện “3 đột phá” trọng tâm: Pháp lý hóa; Số hóa; Tự động hóa.
Hướng đến “4 không”: Không giấy tờ; Không tiền mặt; Không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định; Không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thực hiện “5 đẩy mạnh, tăng cường”, gồm: Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm thực thi của các cấp, các ngành được phân cấp; Tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; Tăng cường đầu tư hạ tầng số; Tăng cường đối thoại và xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; Tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.