Tập đoàn kinh tế: Hãy để thị trường quyết định

Trần Sĩ Chương

(Tài chính) Để một nền kinh tế thực sự thị trường hơn, có lẽ chúng ta phải nhìn nhận lại vai trò và định hướng của mô hình tập đoàn kinh tế (TĐKT).

Tập đoàn kinh tế: Hãy để thị trường quyết định
Cần nhìn lại để hiểu rõ hơn ý nghĩa thật sự của tập đoàn kinh tế. Nguồn: internet
Con người làm ăn từ thuở nào đều có tham vọng thâu tóm vì ai cũng nghĩ là muốn mạnh thêm thì phải to hơn, để có độ chủ động cao hơn, có nhiều quyền, thế và lực hơn. Đây là một tư tưởng phổ biến, vì tính dễ thuyết phục của nó. Nó cũng thỏa mãn cái "ngông" trong tâm lý con người.

Nhưng sự tương quan giữa tầm vóc và sức mạnh có một vế khác: đó là mạnh thì có thể phải lớn, nhưng lớn chưa hẳn đã mạnh. Lớn mà không mạnh thì dễ có nguy cơ đột quỵ. Như vậy, vấn đề ở đây là phải lớn như thế nào để mạnh, chứ không phải chỉ làm sao cho lớn.

TĐKT làm được gì, cho ai?

Mô hình TĐKT, chủ yếu là những tổng công ty (TCT) nhà nước, phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Mặc dù đã qua nhiều nỗ lực để cải tổ hệ thống quản trị và các khung pháp lý cần thiết (từ Luật doanh nghiệp (DN) năm 2000, rồi 2003, rồi mới đây cuối năm 2009), thời gian đã cho thấy các tập đoàn (TĐ) vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành có hiệu quả; các TCT nhà nước vẫn còn những hạn chế nhất định; còn nhiều biểu hiện rõ nét là Nhà nước vẫn chưa thật sự quản lý được tương đối hiệu quả đồng vốn đầu tư trong vai trò đại diện chủ sở hữu vốn của dân.

Các TCT nhà nước "giữ vai trò chủ đạo và chi phối trong nền kinh tế quốc dân" là một chủ trương lớn của Nhà nước, nhưng vấn đề ở đây là ai có trách nhiệm quản lý đồng vốn đầu tư và có quản được không? Hiện nay vẫn chưa có quy định báo cáo công khai kết quả kinh doanh của các TCT nhà nước. Các TCT này chỉ có trách nhiệm báo cáo lên Chính phủ, nhưng ai đọc, giám sát, có trách nhiệm xử lý khi có vấn đề thì không rõ, vì vậy các sai phạm sẽ khó được phát hiện kịp thời để sửa sai.

Luật Kiểm toán năm 2011 đã quy định các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung cũng sẽ phải chịu kiểm toán. Tuy nhiên quy định này vẫn chưa ở gỡ bỏ được hoàn toàn “nút thắt” giám sát trách nhiệm, chất lượng, kết quả hoạt động của các TCT, TĐ kinh tế (TĐKT). Sự chậm trễ cho triển khai và công khai kết quả kiểm toán của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước đối với các DN này lên tới vài ba năm so với thời điểm hiện hành cũng cho thấy trách nhiệm giám sát kịp thời, quản lý đồng vốn đầu tư kịp thời đối với các “quả đấm thép” kinh tế vẫn còn buông lỏng.

Nhà nước ở đâu cũng có những giới hạn nhất định và không thể giám sát toàn diện, nếu hệ thống tổ chức không có khả năng tự kiểm soát và có tính minh bạch cao để ngăn ngừa sai phạm, và nếu sai phạm sẽ bị xã hội phát hiện sớm để có áp lực sửa sai. Nhà nước có trách nhiệm đặt chủ trương, định hướng phát triển và ngay cả quyết định phương thức triển khai.

Nhưng vì đồng vốn là sở hữu của toàn dân, Nhà nước chỉ đại diện dân sử dụng đồng vốn đó, cho nên phải tạo mọi điều kiện cần thiết để người dân có quyền và trách nhiệm giám sát việc sử dụng vốn qua các TĐKT nhà nước. Đây là điều kiện cơ bản nhất trong kinh doanh: chủ sở hữu vốn phải biết được ai đang sử dụng đồng vốn của mình, để làm gì, cho mục đích gì, có hiệu quả không?

Kỳ vọng được gì từ các TĐKT

Các TĐKT ở Nhật Bản và Hàn Quốc đều huy động vốn (phần lớn) trực tiếp từ dân, do tư nhân điều hành, có trách nhiệm báo cáo rạch ròi với cổ đông và nhà nước. Với tinh thần trách nhiệm cao (đồng tiền liền khúc ruột) và từ đó khả năng quản lý tốt, các TĐKT này đã có những thành tựu vượt bậc trong mấy thập niên qua.

Tuy nhiên, vì có mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết với nhà nước (nhất trí về chủ trương và đường lối phát triển, nhận ưu đãi về mặt thông tin thị trường và tín dụng từ nhà nước), nên mô hình này đã có những mầm mống rủi ro lớn, chứa đựng tính độc quyền, bè phái, tham nhũng.

Từ 2 thập niên nay, các TĐKT Nhật Bản đã gặp phải nhiều khó khăn vì kinh doanh quá dàn trải, thiếu tính linh hoạt, tỷ suất lợi nhuận thấp (thường dưới 1% trên doanh thu) nên khó tồn tại trong tình huống kinh tế gặp khó khăn. Rủi ro lớn nhất là các TĐKT ở 2 nước này tập trung quá nhiều quyền và lợi vào một thiểu số DN nên khi gặp khó khăn, bị giải thể (như trường hợp TĐ Daewoo của Hàn Quốc) sẽ có ảnh hưởng lớn đến xã hội - nhiều lao động bị thất nghiệp, nợ xấu quá lớn, hệ thống tài chính bị quá tải khó điều chỉnh kịp thời gây ảnh hưởng dây chuyền.

Trong khi đó, Đài Loan có cùng một xuất phát điểm sau Thế chiến thứ hai như Nhật Bản và Hàn Quốc và cũng đã trở thành một con rồng châu Á chỉ sau 2, 3 thập niên. Tuy nhiên, chiến lược phát triển của Đài Loan dựa vào 2 nhân tố: sự chủ động của thành phần kinh tế tư nhân, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ, với rất ít hỗ trợ của chính quyền; giới hạn các ngành nghề lĩnh vực then chốt cần chính quyền tham gia.

Trong những năm thập niên 1950, các công ty thuộc chính quyền đóng góp trên 75% GDP. Nhưng vì chính sách hỗ trợ sự phát triển DN vừa và nhỏ, đến thập niên 1980 thành phần kinh tế tư nhân chiếm hơn 75% GDP. Đến nay Đài Loan đã thành công hơn với một nền kinh tế phát triển tốt, bền vững, công bằng hơn cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Với kinh nghiệm của các nền kinh tế đã đi trước và thực tế hiện tại của kinh tế nước ta, có lẽ khái niệm TĐKT cần được nhìn dưới một góc độ mở và linh hoạt hơn:

Thứ nhất, không nhất thiết phải là một định chế có một tầm vóc nhất định, mà cái chính là nó làm được gì, đóng góp gì được cho nền kinh tế. Như vậy hãy để thị trường quyết định ai nên lớn và mạnh như thế nào, có lợi ích cho ai.

Thứ hai, một sự kết nối hợp lý, tự nguyện có giá trị hỗ tương giữa các DN khác nhau - quốc doanh lẫn tư doanh - và cũng không nhất thiết phải là "mẹ-con"; nhiều con mà nuôi dạy không tốt, quản lý không tốt cũng thành mối họa, “bỏ thì thương, vương thì tội”. Sự kết nối này sẽ giúp các thành viên phát huy thế mạnh của mình, sử dụng được thế mạnh công ty bạn mà không cần nhiều ràng buộc có thể trở thành gánh nặng trong bước đường phát triển.

Thứ ba, nên nhìn TĐKT là một hiện tượng phát triển tự nhiên từ nhu cầu thị trường và khả năng phát triển của mỗi DN mà không cần phải có một cơ chế áp đặt, ưu đãi, ngoại trừ một số điều kiện pháp lý cơ bản để tránh sự độc quyền, thao túng thị trường.

Tuy nhiên, bất cứ một mô hình kinh tế nào cũng chỉ có cơ hội phát triển tốt trong một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh. Doanh nhân Việt phải có cơ hội tập huấn trên một sân nhà có chuẩn quốc tế mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế thế giới thành công.

Khả năng để kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao "có chất lượng" trên 10% là hoàn toàn trong tầm tay với thế hệ con người Việt Nam đang tràn đầy sinh lực, năng động, khát khao vượt khó, nếu chúng ta cùng nhau nỗ lực xây dựng một môi trường kinh doanh xứng đáng hơn với tiềm năng phát triển lịch sử của đất nước.


Đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN

Tuy còn có ý kiến khác nhau khi đánh giá về tính hiệu quả của DNNN nhưng phần lớn ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng nếu thực hiện tốt “Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐKT, TCT nhà nước giai đoạn 2011-2015” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với nội dung chính tập trung vào 3 mục tiêu: tái cơ cấu về tổ chức, sắp xếp lại DN; tái cơ cấu về tài chính và tái cơ cấu về quản trị DN, lao động sẽ tác động tích cực đến tổng thu nhập nội địa (GDP) và tăng trưởng kinh tế, nhất là tái cơ cấu các TĐ, TCT nhà nước lớn.

Tuy vậy, tái cơ cấu DNNN không phải là liều thuốc trị bách bệnh. Theo lý thuyết kinh tế hiện đại không một hình thức sở hữu tự nhiên nào được coi là vạn năng, bất biến và nhất là lại lệ thuộc vào những điều kiện lịch sử cụ thể, lại có thể vượt trội các hình thức sở hữu khác ở mọi quốc gia, mọi ngành và lĩnh vực kinh tế. Vẫn có những mô hình DNNN hoạt động hiệu quả ở nhiều quốc gia. Cơ cấu thị trường và cạnh tranh trong nhiều khía cạnh còn quan trọng hơn bản thân quyền và hình thức sở hữu đối với hiệu quả hoạt động của DN.

Thí dụ việc cổ phần hóa các DN cung cấp dịch vụ xã hội, nhất là các DN độc quyền tự nhiên, có thể phương hại đến người tiêu dùng, thậm chí ngay cả khi hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN tăng lên, nếu không thiết lập được hệ thống kiểm soát giá thành hàng hóa và dịch vụ phù hợp...

Vì vậy, trước mắt, cần gắn mục tiêu tái cơ cấu DNNN đơn thuần với mục tiêu tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, ưu tiên thu hút các nguồn lực đầu tư tài chính của khu vực tư nhân vào phát triển DN. Nhà nước cũng có thể mở rộng các ngành, lĩnh vực thuộc diện tái cơ cấu như vận tải thủy và hàng không, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất, hóa dầu, in ấn hay thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại một số DN có ý nghĩa chiến lược như cảng sông, cảng biển hay sân bay.

Quá trình tái cơ cấu DNNN sẽ làm giảm tỷ trọng tham gia trực tiếp của Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh để thu hút nguồn lực tài chính của khu vực tư nhân đầu tư vào DN, tăng cường quản trị DN. Trong khi đó, vẫn phải bảo đảm ổn định xã hội và kiểm soát tình hình giá cả thị trường, tăng cường ảnh hưởng trực tiếp của Nhà nước đến các ngành và lĩnh vực "nhạy cảm" đối với người dân, tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ (R&D) để tạo ra sự dịch chuyển công nghệ, tiến tới hình thành các DN lớn của quốc gia và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong tái cơ cấu DNNN, cần chú ý đến ảnh hưởng của các "nhóm lợi ích" tới việc quyết định cổ phần hóa, bán, giao, chuyển giao, giải thể, phá sản DNNN và cho dù đôi khi phải có những quyết định có thể phần nào chưa thật sự toàn diện, nhưng tận dụng được cơ hội, thời cơ thuận lợi cho việc bảo toàn và thoái vốn nhà nước.

Chính vì thế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Thủ tướng còn yêu cầu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định pháp quy hóa về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, TĐKT, TCT nhà nước thực hiện. Đồng thời, trong quý III-2014, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành CTCP khi cổ phần hóa TĐKT, TCT nhà nước.