Tập trung đầu mối quản lý nợ công

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Thời gian gần đây, có kiến nghị của cử tri gửi về Bộ Tài chính đề nghị công khai chính xác con số nợ công của quốc gia để nhân dân biết và giám sát. Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, mức nợ công hiện hành của Việt Nam ở ngưỡng an toàn.

Tập trung đầu mối quản lý nợ công
Bộ Tài chính cho biết, mức nợ công hiện hành của Việt Nam ở ngưỡng an toàn. Nguồn: internet

Công khai số liệu nợ công

Có ý kiến cho rằng, theo thống kê của Chính phủ và các tổ chức nghiên cứu thống kê khác về nợ công hiện có sự chênh lệch khá lớn, khiến cử tri và nhân dân lo lắng. Bộ Tài chính cho biết, hiện nay trên thế giới chưa có tiêu chuẩn chung về mức ngưỡng an toàn đối với các chỉ tiêu về nợ công để áp dụng cho tất cả các nước.

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ công của Việt Nam bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ Chính quyền địa phương. Hiện nay, trên thế giới chưa có tiêu chuẩn phân loại nợ công áp dụng chung các nước quốc gia. Qua nghiên cứu về phạm vi nợ công của một số nước cho thấy, phần lớn phạm vi nợ công chỉ bao gồm nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh. Bên cạnh đó, có một số nước và vùng lãnh thổ gồm cả nợ Chính quyền địa phương (Anh, Bungary, Trung Quốc, Rumani, Đài Loan). Ngoài ra, một vài nước quy định phạm vi nợ công rộng hơn, bao gồm cả nợ của doanh nghiệp nhà nước (Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Macedonia) hoặc nợ khu vực an sinh xã hội (gồm cả nợ lương, bảo hiểm xã hội… như Ba Lan, Cộng hoà Sip).

Theo quan điểm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì khu vực công bao gồm Chính phủ, Chính quyền địa phương, Ngân hàng Trung ương, và các công ty (doanh nghiệp Nhà nước, định chế tài chính chính sách của Chính phủ). Tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng thế giới (WB) thì khu vực công lại bao gồm Chính phủ trung ương và các cơ quan trực thuộc, Chính quyền địa phương, Ngân hàng Trung ương và nợ của các tổ chức độc lập mà Chính phủ sở hữu trên 50% vốn, hoặc việc quyết lập ngân sách phải được sự phê duyệt của Chính phủ, hoặc Chính phủ là người chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp tổ chức đó vỡ nợ.

Theo Bộ Tài chính, các nguồn vốn vay trong và ngoài nước là nguồn tài chính quan trọng bổ sung cho đầu tư phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các nguồn vốn vay được thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để xẩy ra tình trạng nợ quá hạn, đảm bảo uy tín và các cam kết của Chính phủ; các chỉ tiêu an toàn về nợ công được đảm bảo theo các chỉ tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với Việt Nam, phạm vi nợ công của Việt Nam theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, bao gồm các khoản nợ liên quan đến nghĩa vụ trực tiếp hoặc nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách Nhà nước (nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ Chính quyền địa phương) đã tiếp cận dần với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam về cung cấp và phổ biến số liệu chung với các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên như IMF, WB và ASEAN.

Theo quy định của Điều 26, Nghị định 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công, Bộ Tài chính đều công khai, cung cấp thông tin về nợ công thông qua việc phát hành định kỳ 6 tháng một lần Bản tin về nợ công dưới dạng ấn phẩm và dữ liệu trên trang điện tử của Bộ Tài chính. Các số liệu về nợ công bao gồm thông tin về tình hình vay, trả nợ trong nước và nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh; vay và trả nợ nước ngoài của quốc gia, và nợ của Chính quyền địa phương. Như vậy, các số liệu về nợ công đều được công bố công khai, chính xác, phù hợp với quy định hiện hành của Việt Nam, đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam về cung cấp và phổ biến số liệu chung với các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên như IMF, WB và ASEAN.

Trong ngưỡng an toàn

Việc xác định các chỉ tiêu an toàn về nợ công của từng nước thường được dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng nợ, tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách tài khoá, tiền tệ, nhu cầu về vốn đầu tư phát triển, hệ số tín nhiệm của quốc gia và có thể tham khảo khuyến nghị của IMF/WB về ngưỡng an toàn nợ nước ngoài theo phân loại chất lượng khuôn khổ thể chế và chính sách. Ngoài ra, các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng quy định hạn mức trần nợ công áp dụng chung cho tất cả các nước trong khối là dưới 60% GDP, thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP.

Đối với Việt Nam, tại Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định cụ thể các chỉ tiêu an toàn về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Theo đó, nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia cũng xác định rõ đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%.

Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 31/12/2012, tổng số nợ công là 1.642.916 tỷ đồng, bằng 55,7% GDP năm 2012. Dự kiến đến cuối năm 2013, dư nợ Chính phủ mức 1.573.810 tỷ đồng, bằng 42,6% GDP, dư nợ công mức 2.074.838 tỷ đồng, bằng 56,2% GDP; dự kiến đến cuối năm 2014 dư nợ Chính phủ mức 1.952.280 tỷ đồng, bằng 46,2% GDP, dư nợ công mức 2.528.380 tỷ đồng, bằng 59,8% GDP. Như vậy có thể thấy mức nợ công hiện hành của Việt Nam hiện ở ngưỡng an toàn.

Về nhóm các giải pháp tăng cường quản lý nợ, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý nợ, khắc phục tình trạng quản lý nợ công phân tán ở các bộ, ngành, từ đó thống nhất tập trung đầu mối quản lý nợ công theo hướng tập trung các chức năng và toàn bộ nghiệp vụ quản lý nợ công vào một cơ quan của Chính phủ theo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công để nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình. Bộ Tài chính sẽ phải đúng là cơ quan “giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công”, bao gồm tất cả các khâu: Từ huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay đến trả nợ. Triển khai công tác nghiên cứu đề xuất mô hình đổi mới tổ chức quản lý nợ theo hướng hiện đại và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, với việc giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ, chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với các dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bảo lãnh; Tập trung hoàn thiện hệ thống các chính sách, chế độ về huy động vốn, sử dụng và trả nợ vốn vay của Chính quyền địa phương một cách đồng bộ, thống nhất.

Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại với việc tăng cường cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp/nhà đầu tư, giữa Chính phủ và chính quyền địa phương đối với các khoản vay nước ngoài của chính phủ về cho vay lại; mở rộng cơ chế cho vay lại cho chính quyền địa phương để nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của địa phương, đồng thời bảo đảm đối xử công bằng giữa các địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý và xử lý rủi ro về nợ công với việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và chủ động triển khai phương án xử lý rủi ro đối với một số khoản nợ của Chính phủ.

Tính đến ngày 31/12/2012, tổng số nợ Chính phủ là 1.279.994 tỷ đồng, bằng 43,3% GDP; trong đó nợ nước ngoài 726.314 tỷ đồng (chiếm khoảng 57%), nợ trong nước 553.680 tỷ đồng (chiếm khoảng 43%). Đối với vay về cho vay lại, tính đến 31/12/2012, tổng dư nợ các khoản cho vay lại là 10,84 tỷ USD, tương đương 225,85 nghìn tỷ đồng.

Tổng nợ quá hạn cho vay chiếm 3,45% tổng dư nợ cho vay lại. Các khoản cho vay theo hạn mức tín dụng qua các ngân hàng thương mại được hoàn trả đầy đủ cho Bộ Tài chính, không phát sinh nợ quá hạn.

Về nghĩa vụ nợ của Chính phủ (không kể đảo nợ) so với thu ngân sách Nhà nước hàng năm luôn đảm bảo nằm trong giới hạn an toàn, bình quân khoảng 14-15% so với tổng thu ngân sách nhà nước. 

(Nguồn: Bộ Tài chính)