Thủ tướng Chính phủ:

Tập trung nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin phòng, chống Covid-19


Tại cuộc làm việc với các nhà khoa học và đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần đẩy nhanh nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất bằng được vắc xin Covid-19. Đồng thời, coi đây là yếu tố có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch Covid-19. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất  vắc xin phòng chống Covid-19. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống Covid-19. Nguồn: chinhphu.vn

Tại cuộc làm việc, các bộ, ngành đã báo cáo về một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam đã huy động tổng lực nguồn nhân lực chất lượng cao, mời các nhà khoa học và các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia công tác này.

Theo đó, đến nay, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về nghiên cứu cơ bản xác định các chủng virus mới; phát triển kit xét nghiệm, sản xuất máy thở; nghiên cứu phác đồ, phương pháp điều trị mới; nghiên cứu, sản xuất vắc xin; tiếp cận nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới với các đối tác nước ngoài… Tại cuộc làm việc, các bộ, ngành cũng báo cáo Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết, tháo gỡ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến trách nhiệm, thẳng thắn và khoa học của các bộ, ngành. Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay việc tiếp cận nguồn vắc xin trên thế giới không dễ dàng trong khi ngân sách còn khó khăn, việc tiêm vắc xin lại phải tiến hành định kỳ lâu dài. Do đó, cùng với tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời việc mua vắc xin, Việt Nam phải phát huy truyền thống tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để nghiên cứu, sản xuất, chủ động được nguồn vắc xin.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành cần tập trung phân tích, làm rõ các khó khăn, vướng mắc nếu có về kinh phí, thể chế, quy định, nguồn nhân lực, quy trình thử nghiệm, cấp phép và đề xuất hướng giải quyết. Trước hết, phải thống nhất nhận thức, coi vắc xin là yếu tố có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch nói chung và đặc biệt là trong phòng chống dịch Covid-19 nói riêng. 

Để chủ động thực hiện chiến lược vắc xin, trong đó phải sản xuất được vắc xin trong nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mọi chiến lược, kế hoạch, chính sách với việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất  vắc xin phải vừa mang tính xã hội, vừa mang tính thương mại. 

Thủ tướng yêu cầu tập trung huy động nguồn lực, kinh phí bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó hợp tác công – tư là chủ đạo, bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cùng với các hình thức huy động, các nguồn hợp pháp khác như Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19, với mục tiêu tất cả vì sức khỏe và sinh mạng của người dân, của cộng đồng.

Thủ tướng chỉ đạo phải có ngay cơ chế, chính sách để tập hợp, huy động và nâng cao trình độ để các nhà khoa học có động lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vắc xin. Đặc biệt, phải khuyến khích cả về vật chất và tinh thần để các nhà khoa học phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng và lòng say mê nghiên cứu, duy trì điều này lâu dài, ổn định. Đảng, Nhà nước trân trọng và ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học...

Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia là đầu mối, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin nói chung và vắc xin phòng chống Covid-19 nói riêng. Xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin.

Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin; báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thể chế, tài chính, con người, quy trình thử nghiệm, đánh giá và cấp phép vắc xin. Làm tốt công tác dự báo để cân đối cung cầu, điều tiết về mặt vĩ mô, tránh lãng phí nguồn lực. Xây dựng kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 trong thời gian tới.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, trong đó có vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ… Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung các cơ chế về tài chính. Các bộ, ngành khác chủ động, tích cực phối hợp hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao.