Tàu hải giám, ngư chính hoán cải từ tàu quân sự
(Tài chính) Những năm gần đây, trang bị lực lượng Hải giám và Ngư chính của Trung Quốc không ngừng gia tăng về cả số lượng và mức độ đầu tư, thể hiện rõ xu hướng quân sự hóa hai lực lượng này để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng lực lượng Hải giám cả về đội tàu lẫn nhân sự. Hiện Tổng cục Hải giám Trung Quốc có khoảng 500 tàu, trong đó có 19 tàu cỡ trên 1.000 tấn. Năm 2013, Tổng cục Hải giám Trung Quốc tuyển thêm khoảng 1.000 nhân viên, nâng tổng số thành viên lên trên 10.000 người, đa số được qua huấn luyện hải quân và được trang bị súng tiểu liên.
Một số tàu hải giám cỡ lớn được hoán cải từ những tàu hải quân cũ. Các tàu này đều có lượng giãn nước lớn, có tốc độ cao, khả năng chống chịu sóng gió tốt hơn các tàu dân sự, lại được trang bị vũ khí, kể cả các loại pháo 40-76mm. Điển hình là tàu Hải giám 111 nguyên là tàu Hải Băng 723 thuộc lớp tàu phá băng thế hệ thứ nhất của Trung Quốc, lượng giãn nước 4.420 tấn, vận tốc 20 hải lý/h. Chiếc tàu này có thể phá vỡ lớp băng dày 80cm, khả năng chịu va đập cực mạnh; ngay cả các tàu hải quân cũng không dám va chạm. Đây thực chất là lực lượng “Hải quân 2” trong chiến lược bành trướng đại dương của Trung Quốc. Tàu Hải giám 112 cũng là một tàu hải quân, thuộc chủng loại tàu quét/rải lôi mang số hiệu 814 Liêu Ninh. Chiếc tàu này có thể mang 300 quả thuỷ lôi trong khoang ngầm.
Các tàu kéo hải quân Bắc Đà 710, Đông Đà 830, Nam Đà 154 được “biến hóa” thành tàu Hải giám 110, Hải giám 137, Hải giám 167; tàu thăm dò, đo đạc hải dương Nam Điều 411 và tàu 852 Hải Vương Tinh vốn thuộc Hạm đội Nam Hải được hoán đổi thành tàu Hải giám 168 và Hải giám 169. Ngoài ra, còn có hai tàu Hải Giám 20 và 32 được hoán chuyển từ tàu săn ngầm Type 037.
Không chỉ lực lượng Hải giám được “quân sự hóa” mà đội tàu Ngư chính cũng được Trung Quốc đầu tư lớn với nhiều tàu có trọng tải 1.000 tấn trở lên, đa phần cũng được hoán cải từ tàu quân sự. Những tàu ngư chính cỡ lớn trực thuộc Cục Ngư chính Nam Hải gồm các tàu Ngư chính 301, 302, 303, 305, 308, 309, 310, 311, 312, 206... Tàu Ngư chính 310 có trọng tải 2.500 tấn, đưa vào sử dụng tháng 9/2010, là tàu ngư chính duy nhất có bãi đáp cho trực thăng Z-9A. Với vận tốc 22 hải lý/h, đây là tàu ngư chính có tốc độ nhanh nhất, tính năng tổng thể hiện đại nhất, trang bị đầy đủ nhất.
Tàu Ngư chính 311 vốn là tàu cứu hộ Nam Cứu 503 thuộc Hạm đội Nam Hải được cải tạo, trọng tải 4.450 tấn. Tàu Ngư chính 312 có trọng tải 4.950 tấn và khả năng di chuyển 2.400 hải lý với tốc độ tối đa là 14 hải lý/h. Tàu Ngư chính 206, vốn là tàu điều tra Hải Dương 18 trực thuộc Hạm đội Nam Hải, rất hiện đại với hệ thống quan trắc, đo đạc biển tầng nước sâu 3 chiều và hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến, lượng giãn nước 5.872 tấn, dài 129,82m, rộng 17m, là tàu ngư chính lớn nhất hiện nay.
Hiện phần lớn các tàu hải giám, tàu ngư chính mới, có tính năng hiện đại nhất của Trung Quốc đều được bố trí đến khu vực Biển Đông. Đây là những lực lượng hung hăng nhất trong việc ngăn cản tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư và tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trên vùng biển của Việt Nam. Nguy hiểm hơn, những tàu này không chỉ có khả năng giám sát mà còn có khả năng tấn công, chiếm ưu thế trong tranh chấp trên biển, có khả năng tiếp cận những khu vực tàu hải quân Trung Quốc không được phép đến, thực hiện những nhiệm vụ mà tàu hải quân không thể thực hiện được trên lãnh hải của nước khác.
Âm mưu thâm độc này đang gây quan ngại cho các nước trong khu vực, buộc các nước phải tăng cường cảnh giác.