Tây Nguyên
Tây Nguyên: Hạn hán làm thiệt hại 165.000 ha cây trồng
Đợt hạn hán khốc liệt nhất chưa từng có từ trước đến nay đã khiến 110.766ha cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó mất trắng 7.586ha. Hiện, việc khôi phục diện tích cây trồng, đặc biệt là cà phê, đang được các địa phương chú trọng.
Đó là thông tin tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp khôi phục sản xuất cà phê và hồ tiêu sau hạn hán kéo dài khu vực Tây Nguyên” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai tổ chức tại Gia Lai.
Tthiệt hại 165.000 ha
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất một số cây trồng chủ lực của Tây Nguyên.
Báo cáo của Sở NN&PTNT các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, tổng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị ảnh hưởng do hạn hán là 110.766 ha, trong đó diện tích mất trắng là 7.586ha (trong đó có 496ha hồ tiêu bị chết cháy tập trung chủ yếu tại Gia Lai 218ha, Đăk Lăk 277ha còn lại là cây cà phê bị mất 100% năng suất cho niên vụ 2016/2017).
Bên cạnh đó, tổng diện tích lúa và rau màu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn cử như tỉnh Lâm Đồng: hạn hán đã ảnh hưởng đến 630ha lúa; 210ha hoa, rau màu; ĐăkLăk, diện tích lúa nước hạn 6.290 ha, trong đó 1.920 ha mất trắng; Gia Lai: Diện tích lúa bị ảnh hưởng là 5.621ha, mất trắng 3.948...
Ngay từ những ngày đầu, để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán có khả năng kéo dài và khốc liệt ở Tây Nguyên, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra cho khu vực Tây Nguyên và hỗ trợ đời sống của bà con. Các địa phương tại Tây Nguyên cũng đã và đang huy động tối đa các nguồn lực để tìm giải pháp chống hạn và giúp bà con khôi phục lại sản xuất.
Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Phan Huy Thông nhấn mạnh: “Những hậu quả mà hạn hán gây ra cho khu vực Tây Nguyên không thể khắc phục ngay mà yêu cầu các ngành địa phương và bà con nông dân cần kịp thời bắt tay ngay vào công tác khắc phục hậu quả sau hạn hán ngay những ngày đầu mùa mưa này”.
Cần thực hiện đồng bộ tưới tiết kiệm
Vì vậy, để khắc phục hậu quả của hạn hán, theo ông Thông, giải pháp quan tọng là áp dụng đồng bộ tưới tiết kiệm. Theo đó, phân loại, đánh giá mức độ thiệt hại để xác định hướng khôi phục sản xuất. Đói với mức độ thiệt hại của từng loại cây có áp dụng tưới phù hợp. Đối với nhưng thiệt hạitừ 70-100%, vềlâu dài không chủ động được nguồn nước tưới bền vững, cần chuyển đổi sang cây trồng khác có nhu cầu sử dụng nước ít hơn....
Đặc biệt, Sở NN&PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư đầu vào không đảm bảo chất lượng để tránh thiệt hại cho bà con nông dân. Đối với bà con nông dân nên mua phân bón, vật tư tại các đại lý uy tín, sản phẩm có nhãn hiệu rõ ràng. Nên sử dụng tối đa phân hữu cơ, không sử dụng hóa chất, chất cấm trong quá trình sản xuất.
Đồng thời, các sở, tỉnh, thành phố và hệ thống khuyến nông cần tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tổ chức triển khai tập huấn kỹ thuật tới bà con nông dân. Các địa phương cần rà soát quy hoạch để khuyến cáo bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ xuất bản một số tài liệu dựa trên chủ đề của diễn đàn này để phổ biến tới bà con nông dân trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, kiến nghị Cục Trồng trọt sửa và sớm ban hành Quy trình tái canh cà phê để bà con có thể vay vốn thuận lợi hơn và chủ động sản xuất.