Tết đến, cẩn trọng khi giao dịch tài chính
NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa có công văn gửi các Tổng giám đốc NHTM trên địa bàn đề nghị tăng cường giải pháp an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng dịp cuối năm.
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, nhằm tiếp tục triển khai Chỉ thị 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 của NHNN Việt Nam về tăng cường, phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần vào ổn định tiền tệ, tài chính, NHNN chi nhánh TP.HCM đã chỉ đạo các NHTM tổ chức tốt hoạt động thanh toán, hoạt động của máy ATM… đảm bảo vận hành thông suốt và an ninh an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán, nhu cầu tiền mặt để chi tiêu của người dân và doanh nghiệp trong dịp tết, để đảm bảo lưu thông hàng hóa - tiền tệ trên địa bàn.
Một số ngân hàng ở TP.HCM còn niêm yết các bảng hiệu ở nơi dễ nhận diện cho khách hàng đến giao dịch tiền mặt tại quầy cảnh giác với các thủ đoạn và hành vi lừa đảo. Đặc biệt, không nên rút tiền hộ người khác ở các cây ATM, không nên đổi tiền trong cabin ATM nếu có đối tượng nghi vấn đề nghị những giao dịch tiền mặt bất thường.
Theo các lãnh đạo ngân hàng, do dịp cuối năm, người lao động nhận tiền lương, tiền thưởng tết nhiều, nên nhu cầu sử dụng thẻ rút tiền mặt ở các máy ATM tăng cao; hoạt động thanh toán, chuyển khoản tiền cho người thân trong dịp tết cũng tăng mạnh. Tuy nhiên chủ thẻ cần phải thận trọng khi giao dịch, tuyệt đối không được để lộ mật khẩu và thông tin cá nhân trong giao dịch với ngân hàng cho người khác.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) đầu tuần này đã gửi cảnh báo qua thư điện tử đến khách hàng, trong đó có đoạn: “Thời điểm cận tết hàng năm luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi”. Trong đó có thủ đoạn lừa đảo lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng, từ đó truy cập và chiếm đoạt tiền từ tài khoản.
Một số hình thức lấy cắp thông tin phổ biến như, đối tượng lừa đảo mạo danh là người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả mạo và yêu cầu xác nhận thông tin. Khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc các thông tin về thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP).
Kẻ lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ. Chúng lừa đảo lập website/fanpage trên mạng xã hội để mạo danh ngân hàng. Các website/fanpage này thường sử dụng logo, hình ảnh và các bài viết được sao chép từ website/fanpage chính thức của ngân hàng. Chúng lừa đảo tiếp cận khách hàng để tư vấn các sản phẩm vay với điều kiện và lãi suất ưu đãi hơn so với sản phẩm ngân hàng đang cung cấp. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, công việc, thu nhập… để phục vụ mục đích gian lận hoặc hướng khách hàng sang các dịch vụ tín dụng đen.
Vietcombank khuyến cáo khách hàng, ngân hàng không bao giờ gửi đường dẫn (link) hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Do đó, nếu có các yêu cầu cung cấp thông tin đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.
Ngoài ra, các thủ đoạn lừa đảo tự chuyển tiền như mạo danh nhân viên bưu điện thông báo khách hàng bị nợ cước viễn thông, hoặc khách hàng có bưu kiện, yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền để thanh toán cước viễn thông hoặc chuyển tiền cước phí vận chuyển bưu kiện hoặc cước lưu kho.
Thậm chí, kẻ lừa đảo mạo danh cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu/rửa tiền/mua bán ma túy và yêu cầu khách hàng chuyển tiền tới tài khoản của cơ quan công an (giả mạo) để tạm giữ, phục vụ công tác điều tra. Mạo danh nhân viên ngân hàng thông báo khách hàng trúng thưởng, và yêu cầu khách hàng chuyển tiền phí để nhận thưởng. Ngân hàng khuyến cáo người tiêu dùng, khi có nghi vấn lừa đảo giao dịch ngân hàng, khách hàng tạm thời khóa hoặc đổi mật khẩu dịch vụ và liên hệ với ngân hàng.
Số liệu thống kê Kaspersky, trong 9 tháng năm 2019, công ty an ninh mạng toàn cầu này đã ngăn chặn 53.097 nỗ lực tấn công di động tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng mối đe dọa trên thiết bị di động được ngăn chặn thấp thứ hai ở Đông Nam Á. Mới chỉ có 4,97% người dùng Android trên các thiết bị điện tử cầm tay tại Việt Nam đã được bảo vệ khỏi mã độc di động.