Thách thức nhiều nhưng cơ hội vẫn lớn

Theo Hà My/saigondautu.com.vn

Thị trường chứng khoán (TTCK) từ quý 4/2017 đến nay đã trải qua 2 giai đoạn tương đối rõ rệt: thị trường tăng mạnh trong thời gian khá dài, chỉ số VN Index hết năm 2017 tăng 48% và tăng tiếp 22% trong 4 tháng đầu năm 2018, đạt đỉnh cao nhất 1.204,33 điểm (ngày 9/4).

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

Từ tháng 5 trở lại đây, thị trường diễn biến ngược lại, điều chỉnh giảm khá mạnh và hiện VN Index khoảng 950 điểm (đóng cửa phiên ngày 6-8, VN Index tăng 0,63 điểm, ở mức 960,23 điểm).

Dù có diễn biến trái ngược như vậy nhưng nhìn chung, thanh khoản thị trường vẫn khá tốt: quý 1 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 78% so với giao dịch trung bình của năm 2017; quý 2 giảm dần nhưng vẫn giữ ở mức gần 6.000 tỷ đồng/phiên và nửa đầu tháng 7 khoảng 4.300 tỷ đồng/phiên.

Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), việc giảm điểm của TTCK Việt Nam vừa qua có nhiều nguyên nhân. Ở góc độ tác động bên ngoài là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất; cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Đây là những tác nhân chính khiến nhiều thị trường khu vực châu Á giảm điểm như: Shanghai Composite Index (Trung Quốc) giảm khoảng 14% tính từ đầu năm đến nay, Nhật Bản giảm khoảng 8%, Hàn Quốc giảm 12%... và TTCK Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Còn về trong nước, sau thời gian dài tăng khá mạnh, áp lực bán chốt lời của nhà đầu tư (NĐT) “được coi là hiển nhiên”, song điều này lại trùng thời điểm diễn biến bất lợi của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới nên đã tạo ra sức cộng hưởng khiến TTCK giảm mạnh hơn so với dự kiến. Cùng với đó, còn có nguyên nhân là NĐT trong nước bị ảnh hưởng tâm lý trước diễn biến của thị trường thế giới cũng như động thái bán ra của NĐT nước ngoài.

Đánh giá về triển vọng và rủi ro của kinh tế vĩ mô, PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô (Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), cũng lưu ý, căng thẳng thương mại và rủi ro “chiến tranh” tiền tệ đang ở mức cao. Trong xu hướng bảo hộ thương mại và bất ổn chính sách gia tăng, các nước đang phát triển có nguy cơ rơi vào vòng xoáy phá giá tiền tệ (vừa bị động vừa chủ động).

Những điểm đáng lưu ý là đồng tiền của các nước Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi… đều mất giá mạnh (10-20%); dòng vốn rút khỏi các nước mới nổi tăng mạnh trong quý 2; ngân hàng trung ương nhiều nước phải thắt chặt tiền tệ.

Những tác động của kinh tế thế giới đến Việt Nam đầu tiên là cán cân thương mại bị ảnh hưởng có thể gián tiếp qua kênh Trung Quốc thể hiện việc đồng nhân dân tệ mất giá và nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam; tỷ giá neo cứng nhắc vào USD khiến hàng hóa kém cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam có thể suy giảm với việc FED tăng dần lãi suất chính sách (dự kiến 2 lần nữa trong năm 2018 và 2 lần trong năm 2019). Cùng với đó là áp lực phá giá đồng nội tệ do kỳ vọng FED nâng lãi suất cơ bản khiến cho đồng USD trở nên mạnh hơn so với các đồng tiền khác…

Dù vậy, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn được nhìn nhận là tích cực khi tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 6,7%; tỷ lệ lạm phát vào khoảng 4-5% trong năm 2018 và 2019; đồng Việt Nam được dự kiến sẽ mất giá 2-3%/năm, lãi suất điều hành sẽ tăng nhẹ, tăng trưởng tín dụng cung tiền sẽ bị khống chế ở mức quanh 15%...

Xét về dòng vốn của NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam, theo bà Bình, từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6, NĐT nước ngoài đã vào ròng 2,45 tỷ USD. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 6 đến gần cuối tháng 7, NĐT nước ngoài đã rút ròng khoảng 543 triệu USD.

Tính chung từ đầu năm đến nay, dòng vốn ngoại vẫn vào ròng TTCK Việt Nam khoảng gần 2 tỷ USD. Giá trị danh mục của NĐT nước ngoài tại thời điểm 20-7 đạt mức 33 tỷ USD, trong đó, tiền mặt xấp xỉ 1 tỷ USD. “Có nghĩa là, NĐT nước ngoài vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng tốt của TTCK Việt Nam trong tương lai và sẵn sàng giải ngân vào thời điểm thích hợp”, bà Tạ Thanh Bình nói.

Không thể phủ nhận những tác động mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới đến Việt Nam, song theo các chuyên gia, chỉ số VN Index khó có thể giảm sâu hơn nữa do Việt Nam vẫn đang có nền tảng vĩ mô tốt và mục tiêu tăng trưởng GDP vẫn được Chính phủ giữ vững; hoạt động các công ty niêm yết 6 tháng đầu năm khá tốt; mặt bằng giá nhiều loại cổ phiếu đã về mức hấp dẫn… Khả năng TTCK Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng nhờ vào động lực từ NĐT nước ngoài và nguồn vốn nội địa dồi dào dựa trên nền tảng tăng trưởng tốt của các doanh nghiệp niêm yết.

Tuy nhiên, NĐT cũng nên cẩn trọng trước các biến cố từ TTCK thế giới; diễn biến cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc; xu hướng chứng khoán Hoa Kỳ và các thị trường lớn; hành động của FED thời gian tới; diễn biến lợi suất trái phiếu 10 năm Hoa Kỳ và USD Index; xu hướng dòng vốn quốc tế…