Thách thức truy thu thuế YouTubers

Theo Diễm Ngọc/vnbusiness.vn

Mặc dù các YouTubers tại Việt Nam hoạt động rất sôi nổi và có doanh thu “khủng”, nhưng việc truy thu thuế từ thu nhập của YouTubers vẫn còn nhiều thách thức.

Không chỉ riêng ngành thuế của Việt Nam mà các nhà quản lý cũng như các cơ quan thuế trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình quản lý thuế với các hoạt động trên nền tảng xã hội
Không chỉ riêng ngành thuế của Việt Nam mà các nhà quản lý cũng như các cơ quan thuế trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình quản lý thuế với các hoạt động trên nền tảng xã hội

Trào lưu kiếm tiền trên mạng xã hội YouTube, Google, Facebook hiện đang phổ biến ở Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành YouTuber, Vloger, xây dựng các kênh riêng của mình. Câu hỏi đặt ra là, các YouTubers kiếm được bao nhiêu tiền từ các kênh này và nghĩa vụ thuế của họ ra sao?

Thực tế không có câu trả lời duy nhất cho điều này, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm lượt xem video và cơ sở người đăng ký, luồng thu nhập, doanh thu quảng cáo, chương trình liên kết, bán hàng hóa và các giao dịch tài trợ.

Theo thống kê, trung bình kiếm tiền trên YouTube cho 1000 lượt xem (CPM - Cost Per Mille) dao động từ 0,5 đến 6 USD dựa trên vị trí của người xem và đối tượng mục tiêu. Các con số khác nhau rất nhiều, nhưng hầu hết các kênh đều được trả 0,5 USD cho mỗi 1000 lượt xem.

Gần như tất cả người dùng YouTube đều kiếm được phần lớn thu nhập từ doanh thu quảng cáo tạo ra từ video YouTube của họ. Thêm vào đó, những người dùng YouTube đã nhận được rất nhiều tiền từ các thương hiệu lớn khi tài trợ hoặc quảng cáo trên các video cụ thể.

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, trên dữ liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp, riêng Hà Nội đã có 18.304 cá nhân, tổ chức đã nhận được số tiền từ Google, Facebook, YouTube lên tới 1.462 tỉ đồng. Tuy nhiên, Cục Thuế TP. Hà Nội trong 3 năm từ 2017 đến năm 2019 chỉ xác định được 1.100 cá nhân. Con số này quá ít so với số lượng các tài khoản cá nhân được tiền từ các tổ chức nói trên.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam. Dẫn đến cơ quan thuế chỉ nắm được thông tin của khoảng 5000 kênh để yêu cầu đóng thuế hoặc các cá nhân tự chủ động đóng thuế.

Tại Việt Nam, chúng ta có thể kể tên một vài cá nhân đóng thuế hàng chục tỷ đồng như cô gái 9X có thu nhập 330 tỉ nhờ sáng tác nhiều phần mềm được các ứng dụng Google Play và App Store kê khai và nộp 23,4 tỉ đồng tiền thuế. Hay một nam thanh niên thường trú tại Hà Nội cũng tự nguyện nộp 18,1 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân sau khi nhận thu nhập 260 tỉ đồng từ viết phần mềm.

Tuy nhiên, những cá nhân tự nguyện nộp thuế là rất ít. Và như nêu trên, tổng số thuế mà các cá nhân có thu nhập từ mạng xã hội đã nộp lại đang thấp hơn rất nhiều so với tổng số thuế theo nghĩa vụ phải nộp. Đây là vấn đề mà không chỉ riêng ngành thuế của Việt Nam, ngay cả các nhà quản lý cơ quan thuế trên thế giới cũng gặp phải. Thậm chí ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Anh hay Pháp, hiện nay cũng đang dần hoàn thiện quy trình quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng này.

Theo PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Tài chính, phía cơ quan thuế của Việt Nam cũng đã có rất nhiều cố gắng nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, để từ đó có thể quản lý được hoạt động kinh doanh thông qua mạng internet một cách hiệu quả hơn.

“Chúng ta biết rằng trong năm 2020, theo số liệu của Tổng cục Thuế, số thu từ các chủ thể không đăng ký ở Việt Nam đạt 1.143.tỷ đồng và tăng hơn 133 tỷ đồng so với năm 2019, nhưng nếu so với năm 2016 thì nó tăng gấp 24 lần, như vậy rõ ràng cơ quan thuế cũng đang dần dần từng bước quản lý tốt hơn từ hoạt động này”, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh. Ngoài ra, chuyên gia cho rằng để giải quyết tối ưu vấn đề truy thu thuế, cần lưu ý một số điểm sau:

Thứ nhất, cần phải tuyên truyền về nghĩa vụ thuế với mọi công dân trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng, cũng như những tổ chức kinh doanh tại Việt Nam nói chung, phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước khi có doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh này.

Thứ hai, phải tăng cường các biện pháp quản lý kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh qua mạng bằng nhiều biện pháp, nghiệp vụ khác nhau với sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, từ cơ quan truyền thông đến Tổng Cục thuế, đến các nhà mạng và hệ thống ngân hàng.

Thứ ba, phải có chế tài đủ mạnh để răn đe những người cố tình né thuế, trốn tránh nghĩa vụ thuế để giảm tối đa các đối tượng này.

Về mặt nguyên tắc, các ngân hàng có trách nhiệm nghĩa vụ theo dõi quản lý biến động số dư trên các tài khoản một cách bất thường, đặc biệt là một số tài khoản có quan hệ giao dịch với nước ngoài. Khi chuyển tiền ra, vào xuyên biên giới, dù là biến động nhỏ thì cũng phải quan tâm, chưa nói đến lượng tiền lớn. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với rà soát dữ liệu phục vụ thi hành pháp luật thuế, còn góp phần nâng cao hiệu quả trong việc chống các hoạt động rửa tiền, kinh doanh bất hợp pháp và tài trợ khủng bố,...

"Tại nhiều quốc gia, khi một người dân có tài khoản tăng lên khoảng 1000 USD,  ngay lập tức các ngân hàng sẽ phải kiểm tra nguồn tiền từ đâu, người dân có phải đóng thuế hay không. Vì vậy người dân luôn luôn phải hoàn thành trách nhiệm nộp thuế rất nghiêm chỉnh", chuyên gia cho biết.

Ông cũng cho rằng về khung pháp lý cơ bản, chúng ta đã có Luật quản lý thuế 2019 và Nghị định 126 có hiệu lực, nhưng Việt Nam vẫn khá lúng túng trong việc kiểm soát thuế. Nguyên nhân là do hiện nay vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Khi cơ quan quản lý ban hành các thông tư cũng như văn bản hướng dẫn cụ thể để thực thi các Luật và Nghị định, đồng thời bám sát, có hướng dẫn cập nhật theo các biến động, biến hóa liên tục của những xu hướng phát triển nền tảng xã hội bao gồm việc tạo thu nhập, chi trả thu nhập từ các nền tảng... thì việc quản lý thuế sẽ chặt chẽ hơn.

Quy định về việc đóng thuế thu nhập từ Youtube, Facebook, Google tại Việt Nam

Khi doanh nghiệp nhận được doanh thu từ các nền tảng thì phải kê khai và đóng thuế TNDN (tổng doanh thu trừ chi phí) với mức thuế 20% và thuế GTGT với mức thuế 10% theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 và Luật thuế GTGT năm 2008.

Đối với cá nhân có thu nhập từ YouTube, Facebook, Google, các cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube… dưới 100 triệu/năm thì không phải nộp thuế TNCN, thuế GTGT.

Các cá nhân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế với mức thuế suất 5% thuế GTGT/doanh thu tính thuế và 2% thuế TNCN/Doanh thu tính thuế. Trong đó, doanh thu tính thuế là số tiền nhận trực tiếp từ YouTube hoặc số tiền nhận từ đối tác là các mạng đa kênh (đối tác của Youtube tại Việt Nam) mà không được trừ chi phí trước khi tính thuế do không phải là doanh nghiệp.