Tham gia Hiệp định CPTPP: Sẽ có nhiều chính sách thuế và thủ tục hải quan cần sửa đổi
Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho biết, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, hiện Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2019-2022.
Hiệp định CPTPP với 11 quốc gia thành viên chính thức gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018.
Song song đó, Tổng cục Hải quan cũng đang hoàn thiện và trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2018/TT-BTC về Kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa; trong đó có quy định cụ thể về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP (dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2019).
Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Mở cửa hội nhập để phát triển kinh tế đất nước, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với những cạnh tranh hết sức gay gắt về xuất nhập khẩu hàng hóa - ông Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính chia sẻ, khi Việt Nam tham gia CPTPP, việc xuất khẩu hàng hóa sang 10 nước thành viên CPTPP khác sẽ được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu. Cụ thể, Australia mở 93% dòng thuế cho Việt Nam, Nhật Bản mở 95% dòng thuế...
Đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các thị trường mới, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh như thủy hải sản, dệt may, da giày, nông sản...
Tuy nhiên, cơ hội cũng đồng thời với thách thức khi doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhiều loại hàng hóa khác của các nước nhập khẩu vào Việt Nam.
Cơ quan chức năng cần có những chính sách tháo gỡ, nhất là trong thủ tục thuế và hải quan để doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội này".
Đây là ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện CPTPP” do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 28/5 tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia...; đồng thời, nhân rộng thực hiện việc cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... để đáp ứng khả năng cạnh tranh trong quá trình tham gia CPTPP và hội nhập quốc tế.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cơ quan chức năng cần thông tin rõ lộ trình cắt giảm thuế xuất, nhập khẩu của các nước trong CPTPP đối với hàng hóa Việt Nam để doanh nghiệp có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Ngoài ra, khi đã tham gia CPTPP, ngành hải quan cũng cần tạo thuận lợi hơn trong thủ tục thông quan cho doanh nghiệp, nhất là trong việc phân luồng hải quan; cần nâng số lượng hàng hóa ở luồng xanh (miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), giảm tỷ lệ hàng hóa ở luồng vàng và đỏ (kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa); đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.
Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Khi thực hiện Hiệp định này, mỗi năm GDP Việt Nam được kỳ vọng có thể tăng 1,32%; kim ngạch xuất khẩu có thể tăng 4,04% và kim ngạch nhập khẩu có thể tăng 3,8%.