Thâm hụt thương mại của Mỹ cao kỷ lục trong năm 2022


Ngày 7/2, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy, thâm hụt thương mại của nước này trong năm 2022 đã tăng lên mức cao kỷ lục.

Thâm hụt thương mại của Mỹ cao kỷ lục trong năm 2022. Ảnh: AFP
Thâm hụt thương mại của Mỹ cao kỷ lục trong năm 2022. Ảnh: AFP

Cụ thể, trong tháng 12/2022, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 10,5% so với tháng trước đó, lên mức 67,4 tỷ USD. Trong tháng 12/2022, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ đạt 250,2 tỷ USD, giảm 2,2 tỷ USD so với tháng trước đó, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước này tăng 4,2 tỷ USD, lên mức 317,6 tỷ USD.

Tính theo năm, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ năm 2022 của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 948,1 tỷ USD (tương đương 3,7% GDP), cao hơn mức 845 tỷ USD (3,6% GDP) năm 2021.

Theo Bộ Thương mại nước này, năm 2022, mặc dù xuất khẩu của nước này tăng 453,1 tỷ USD lên 3.000 tỷ USD, nhưng nhập khẩu cũng tăng tương ứng 556,1 tỷ USD lên 4.000 tỷ USD.

Sự tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ đã khiến hàng hóa do nước này sản xuất trở nên đắt đỏ trên thị trường quốc tế.

Đồng USD đã tăng giá hơn so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ kể từ cuối tháng 12/2021 do Fed tiến hành chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ qua để kiềm chế lạm phát. Chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn của các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng làm xói mòn nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa Mỹ.

Trước đó, ngày 1/2, Fed đã tăng lãi suất mục tiêu thêm 0,25%, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục tăng chi phí đi vay trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 4,5-4,75%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Trong thông báo sau cuộc họp chính sách, Fed nhận định lạm phát "đã hạ nhiệt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao". Như vậy, kể từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 8 lần.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong nỗ lực giảm chi phí sinh hoạt, Fed sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng đã khiến doanh số bán nhà giảm mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp rút vốn đầu tư, 2 yếu tố chủ chốt có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Mức lãi suất cao hơn của Fed cũng làm tăng thêm bất ổn kinh tế ở nước ngoài, và tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nước Mỹ./.

Theo H.Hà/dangcongsan.vn