Thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
Trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 Luật đã quy định rõ thẩm quyền xoá nợ thuế.
Thống kê của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy, nợ thuế từ các tổ chức, cá nhân không còn kinh doanh chưa được giải quyết kéo dài qua các năm khiến tỷ lệ nợ thuế không có khả năng thu ngày càng tăng và đã chiếm gần 44,9% trên tổng số tiền thuế nợ tính đến cuối năm 2017.
Còn theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 5, tổng số tiền thuế nợ là hơn 84.600 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) là 46.400 tỷ đồng. Số nợ này chiếm 54,9% tổng số tiền thuế nợ, tăng 20% so với thời điểm 31/12/2018. Cụ thể: Các khoản thuế, phí là 19.890 tỷ đồng (chiếm 23,5% tổng số tiền thuế nợ); các khoản nợ liên quan về đất là 10.184 tỷ đồng (chiếm 12% tổng số tiền thuế nợ); các khoản phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế là 16.417 tỷ đồng (chiếm 19,4% tổng số tiền thuế nợ).
Rõ ràng, vấn đề nợ thuế đang là thách thức không nhỏ với ngành Thuế khi số nợ không có khả năng thu hồi vẫn tích tụ qua nhiều tháng, năm gây lãng phí nhân sự quản lý và làm mất cân đối với cán cân thu ngân sách nhà nước.
Chính vì vậy, tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã có một chương riêng về nội dung khoanh nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt. Trong đó, quy định rõ thẩm quyền xóa nợ thuế.
Cụ thể, về vấn thẩm quyền xóa nợ, Bộ Tài chính cho biết, Hiến pháp năm 2013 không quy định về thẩm quyền xoá nợ thuế. Về mặt hành pháp, thẩm quyền quản lý thuế, quản lý ngân sách thuộc về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Luật đã quy định rõ sự phân cấp trong thẩm quyền xóa nợ. Cụ thể, giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính, chủ tịch UBND cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để giảm thủ tục hành chính.
Trong đó, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định, đối với các khoản nợ thuế của doanh nghiệp đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi, thì giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh quyết định xóa các khoản nợ dưới 5 tỷ đồng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được giao thẩm quyền quyết định xóa các khoản nợ thuế từ 5-10 tỷ đồng.
Đối với các khoản nợ từ 10-15 tỷ đồng, Luật quy định giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ; Các khoản nợ trên 15 tỷ đồng thì Thủ tướng sẽ quyết định xóa nợ.
Luật cũng quy định rõ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh báo cáo tình hình kết quả xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho Hội đồng Nhân dân vào kỳ họp đầu năm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp tình hình xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt để Chính phủ báo cáo Quốc hội khi tổng quyết toán ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Luật còn quy định, trường hợp đặc biệt Thủ tướng Chính phủ quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định cụ thể trong luật có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15 tỷ đồng trở lên.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ thuế phát sinh trước ngày 01/7/2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13.
Điều 85, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định xóa nợ đối với 3 đối tượng: doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế (tại khoản 1 điều 85); cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp thuế (tại khoản 2 điều 85) và ba là các khoản tiền thuế nợ đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi (tại khoản 3 điều 85).