Xóa nợ thuế sẽ giảm nợ ảo, chi phí quản lý, nhân lực


Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với những quy định cụ thể, đáng chú ý là các quy định liên quan đến việc xoá nợ thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 5, tổng số tiền thuế nợ là hơn 84.600 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) là 46.400 tỷ đồng. Số nợ này chiếm 54,9% tổng số tiền thuế nợ, tăng 20% so với thời điểm 31/12/2018.

Cụ thể: Các khoản thuế, phí là 19.890 tỷ đồng (chiếm 23,5% tổng số tiền thuế nợ); các khoản nợ liên quan về đất là 10.184 tỷ đồng (chiếm 12% tổng số tiền thuế nợ); các khoản phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế là 16.417 tỷ đồng (chiếm 19,4% tổng số tiền thuế nợ).

Đáng chú ý, tính đến tháng 5, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 38.137 tỷ đồng, chiếm tới 45,1% tổng số nợ thuế.

Vừa qua, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, trong đó Điều 85 quy định rõ, có 5 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, cụ thể:

Thứ nhất, doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Thứ hai, cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.

Thứ ba, các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc 2 trường hợp trên mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.

Người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trước khi quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới thì phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đã được xoá.

Thứ tư, tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp và đã được gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Thứ năm, Chính phủ quy định việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương bảo đảm các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa phải được hoàn trả vào ngân sách nhà nước theo quy định tại trường hợp thứ 3 được xóa nợ, trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trả lời báo chí mới đây, ông Lê Quang Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đống Đa, cho rằng quy định khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp là rất cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Ông Lê Quang Hùng nêu ví dụ, tổng nợ không có khả năng thu tại Chi cục Thuế Đống Đa đến thời điểm 30/4/2019 là 673,8 tỷ đồng của 17.591 doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, chiếm 54% so với tổng nợ của Chi cục.

“Đây là số nợ không thể thu được, vì chủ yếu các khoản nợ này tồn tại từ khi thành lập ngành Thuế thuộc đối tượng là người nộp thuế đã chết, hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh; người nộp thuế chờ giải thể; người nộp thuế mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...”, ông Hùng cho biết.

Điều đáng nói, theo ông Hùng, mặc dù không thể thu hồi được khoản nợ trên, nhưng theo Luật Quản lý thuế hiện hành thì cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, tính tiền chậm nộp (khoảng 6 tỷ đồng tiền chậm nộp phát sinh mới/tháng tại Chi cục Thuế Đống Đa) đối với các khoản nợ này, dẫn đến số nợ mà cơ quan thuế phải theo dõi trên sổ sách là rất lớn dù đây chỉ là nợ ảo.

Theo nhận định của các nhà quản lý, nợ thuế không có khả năng thu hồi suốt thời gian qua đã tạo áp lực lớn về chi phí quản lý, nhân lực quản lý. Xuất phát từ tình hình thực tế trên, việc bổ sung quy định về khoanh nợ tại Luật Quản lý thuế (sửa đối) lần này sẽ làm giảm số nợ ảo, giảm chi phí quản lý, chi phí về nhân lực của cơ quan quản lý thuế.