Tham vấn kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng thị trường tín chỉ các bon

Gia Hân

Thị trường tín chỉ các bon là “chìa khoá” góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 và đạt các mục tiêu phát triển bền vững khác. Do vậy, Việt Nam đang gấp rút quá trình xây dựng thị trường tín chỉ các-bon với mục tiêu năm 2025 sẽ thử nghiệm, sau đó sẽ hoàn thiện chính sách để vận hành chính thức Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính vào năm 2028.

Việt Nam là nước có tiềm năng về nguồn cung ứng tín chỉ các bon.
Việt Nam là nước có tiềm năng về nguồn cung ứng tín chỉ các bon.

Theo thống kê của Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đang đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbonNhiều chuyên gia đánh giá, không chỉ rừng mà điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, vận tải... đều trở thành những ngành tiềm năng, tạo ra nguồn thu lớn cho Việt Nam nhờ việc bán tín chỉ các bon. Song, về lâu dài, các chuyên gia nhấn mạnh, việc mua bán tín chỉ các bon sẽ phải đưa lên sàn giao dịch.

 

Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon rừng và thu về 51,5 triệu USD. Đầu tháng 8/2023, Ngân hàng Thế giới đã thanh toán tiền hỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) đợt 1 cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 41,2 triệu USD, đạt 80% kết quả giảm phát thải theo ERPA đã ký. Số tiền còn lại sẽ thanh toán sau khi hoàn thành chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2.

Mục tiêu lớn nhất của việc thiết lập thị trường tín chỉ các bon là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác; cùng với đó, việc giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo lộ trình của Chính phủ, thị trường tín chỉ  các bon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Điều 139 của Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính thiết kế thị trường tín chỉ các bon. Như vậy, thời gian từ nay đến năm 2025 để vận hành thí điểm thị trường tín chỉ các bon không còn nhiều. Do đó, Bộ Tài chính với nhiệm vụ được giao đang khẩn trương triển khai các công việc quan trọng, đặc biệt là đẩy mạnh tham vấn kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.

Tại Hội thảo tham vấn về trái phiếu xanh, thuế môi trường và thị trường tín chỉ các bon do Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức ngày 26/3, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ những đánh giá ban đầu về việc thiết lập thị trường tín chỉ các bon tại Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo tham vấn chiều ngày 26/3.
Quang cảnh Hội thảo tham vấn chiều ngày 26/3.

Theo ông Quentin Dumouilla - Giám đốc Chương trình tại RE(SET), việc đổi mới và điều chỉnh các công cụ tài khóa, tài chính mang đến cơ hội kép cho Việt Nam, một mặt góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính thông qua áp dụng giá các bon, mặt khác đảm bảo hỗ trợ tài chính và vận hành các dự án khử các bon thông qua các nguồn thu mới. Đưa ra khuyến nghị trong xây dựng thị trường tín chỉ các bon, ông Quentin Dumouilla cho biết, các quy định ban đầu cho hoạt động của thị trường tín chỉ các bon đã được thiết lập, đặc biệt ở Điều 139 của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Tuy nhiên, vẫn cần thực hiện một số bước quan trọng để đảm bảo sự phát triển của thị trường tín chỉ các bon như: làm rõ sự khác biệt giữa hệ thống thị trường hạn ngạch và thị trường tài chính liên quan; chuẩn bị ngay các hệ thống giám sát cần thiết (ví dụ: cổng đăng ký phát thải)…

Về phía Bộ Tài chính, đại diện Vụ Pháp chế chia sẻ, trên thực tế, nhiều nước đã thành lập sàn giao dịch tín chỉ các bon, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện mô hình này tại Việt Nam nhằm bảo đảm thị trường tín chỉ các bon trong nước hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế; hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường tín chỉ các bon, tăng sức cạnh tranh của quốc gia theo hướng phát triển kinh tế phát thải ít carbon và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững.

Theo đại diện Vụ Pháp chế, thị trường tín chỉ các bon tại Việt Nam được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của quốc gia, cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với quốc tế và xu hướng phát triển thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, góp phần tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước trong việc tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Chủ thể tham gia thị trường bao gồm: Cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; các tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật; tổ chức hỗ trợ giao dịch. Hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam gồm 2 loại: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính; tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường trong nước.