Thận trọng mua đất nền các tỉnh

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Cơn sốt đất nền các tỉnh từ cuối năm 2018 đã lan sang đến đầu năm 2019. Đầu tư đất nền đang là xu thế, khi sản phẩm chủ đạo của các đô thị lớn đang có dấu hiệu chững nguồn cung. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của một số chuyên gia, khách hàng cần thận trọng với tính pháp lý chưa rõ ràng.

Cơn sốt đất nền các tỉnh từ cuối năm 2018 đã lan sang đến đầu năm 2019. Nguồn: Internet.
Cơn sốt đất nền các tỉnh từ cuối năm 2018 đã lan sang đến đầu năm 2019. Nguồn: Internet.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hết quý I/2019, đất nền một số tỉnh như Bình Thuận, Bình Dương, Quảng Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… đều có sự tăng trưởng, do nguồn cung dồi dào và tỉ lệ hấp thụ tốt.

Đất nền các tỉnh có sự tăng trưởng tốt, nhiều nhà đầu tư đã được hưởng lợi lớn nhưng chính sự tăng trưởng quá nóng đó khiến nhiều chủ đầu tư đã không còn giữ được chữ tín với khách hàng.

Nhiều dự án bị “tuýt còi”

Hồi tháng 3/2019, gần 1.000 người mua đất tại ba dự án ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam do công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư, công ty bất động sản Hoàng Nhất Nam phân phối, đã có mặt tại Đà Nẵng để làm việc với đơn vị phân phối.

Đây là các khách hàng mua đất tại ba dự án Bách Đạt 1, Khu đô thị 7B mở rộng, Hera Complex Riverside mà suốt thời gian qua phải vây trụ sở hai công ty cả ngày lẫn đêm để đòi đất và yêu cầu công ty minh bạch số tiền đang giữ của khách hàng, với tổng số tiền của gần 1.000 khách hàng là hơn 600 tỷ đồng hiện đang ở đâu và việc chậm ra sổ đỏ dự án nhưng chưa có lời giải thích chính đáng.

Giữa tháng 4/2019, khu đô thị Kosy Gia Sàng (phường Gia Sàng, Tp. Thái Nguyên) do Tập đoàn Kosy (Cầu Giấy, Hà Nội) làm chủ đầu tư tự ý bán đất nền, nhận tiền đặt cọc, huy động vốn của khách hàng khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng hàng loạt dự án tại tỉnh này. Điển hình là dự án Goldsand Hill Villa (phường Mũi Né) do công ty TNHH Lộc Tú và công ty CP Tập đoàn VNGroup làm chủ đầu tư; Dự án lấn biển, tạo khu dân cư thương mại dịch vụ mới La Gi (thị xã La Gi) của công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ VINAM; Tổ hợp giải trí Mũi Né Summer Land, phường Phú Hải, công ty TNHH Đầu tư Hưng Lộc làm chủ đầu tư; dự án Novaworld của Tập đoàn Novaland….

Điểm đáng chú ý là các dự án này đều chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư và đơn vị phân phối đã thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua, trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan.

Nhiều bài học trước đó cho thấy khi dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, chưa được phép của Sở Xây dựng, hoặc nhập nhèm thông tin mua bán, người chịu thiệt cuối cùng vẫn là các khách hàng, khi đã gửi trọn niềm tin cho chủ đầu tư.

Lý giải về sức hút đất nền các tỉnh, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng do các sản phẩm tại các đô thị lớn không còn tính hấp dẫn nên nhà đầu tư tìm đến các dòng sản phẩm bất động sản ở các tỉnh thành khác tìm kiếm lợi nhuận. Nhiều tỉnh đã bắt đầu thúc đẩy kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Liên quan đến bán đất khi chưa đủ điều kiện, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng điều này gây rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Quy định của pháp luật hiện nay đã có đầy đủ, nhưng trong thực hiện thì vẫn xảy ra nhiều vi phạm.

Xử lý theo pháp luật?

Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương đang nóng vội trong phát triển các sản phẩm bất động sản. Nhiều dự án được cấp ồ ạt và không tính toán đến các tương quan cung cầu, dẫn đến cung vượt quá xa so với cầu, thổi giá, đẩy giá và bán hàng khi chưa đủ điều kiện.

Theo bà Dung, đó là do chủ đầu tư cố tình vi phạm và thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chưa kịp thời trả lời doanh nghiệp nên họ tự ý kinh doanh sản phẩm của họ.

Để tránh vết xe đổ, khiến nhà đầu tư thiệt hại, ông Đính đưa ra lời khuyên cho các khách hàng khi tham gia bất kỳ dự án nào, đầu tiên là phải kiểm tra tính pháp lý của dự án. Nếu dự án này chưa đảm bảo đầy đủ điều kiện thì không nên tham gia.

Bà Dung cho rằng thời gian tới, cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm các chủ đầu tư trong việc thực hiện nội dung này. Trong trường hợp cố tình chiếm dụng vốn và gây hậu quả nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, các Sở Xây dựng, các cơ quan xây dựng địa phương cần tăng cường kiểm tra việc này và kịp thời thông báo đến các nhà đầu tư về điều kiện để được phép kinh doanh bất động sản của mình.

Trước đó, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về điều kiện chủ đầu tư mở bán dự án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết các sở xây dựng địa phương cần tăng cường quản lý, kịp thời có các văn bản thông báo về điều kiện đủ để đưa vào kinh doanh khi các chủ đầu tư yêu cầu.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, gồm phạt tiền và các biện pháp hành chính kèm theo. Nếu vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn thì phải xử lý theo pháp luật hình sự, theo quy định của pháp luật.