Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt:
Thận trọng với những thử nghiệm đổi mới
Như tên gọi, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải “thật sự đặc biệt” và có những cơ chế, chính sách vượt trội, khác so với các luật hiện hành. Nhấn mạnh điều này trong phiên thảo luận chiều qua, song nhiều ĐBQH cũng chỉ rõ, mọi thử nghiệm đổi mới phải bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp cũng như yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Có hay không sự lạm quyền?
Thử nghiệm đổi mới với mô hình tổ chức chính quyền ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo quy định của dự thảo Luật là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều của ĐBQH.
Nếu thực hiện theo phương án 1, không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thay vào đó là thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, một số ĐBQH cho rằng, sẽ thể hiện được tính đặc biệt về tổ chức bộ máy, có “độ mở” để tạo không gian cho cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương khi cần thiết.
Thế nhưng, quy định này cũng khiến một số ĐBQH quan ngại: Có hay không sự lạm quyền, khi quyền lực chỉ tập trung ở một Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt?
Giải đáp câu hỏi này, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, quy định của dự án Luật đã có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đó là cơ chế giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, giám sát của HĐND tỉnh. Đây là cơ chế giám sát quyền lực từ trên xuống của cơ quan dân cử. Giám sát trực tiếp của người dân được thực hiện thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc tiếp công dân. Và giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Giám sát của cơ quan báo chí trên địa bàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đặc biệt, Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, đương nhiên cũng chịu sự giám sát của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND tỉnh. Với những cơ chế nêu trên, có thể yên tâm luôn có sự giám sát đối với Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ĐB Mai Thị Phương Hoa nói.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bổ sung: Phương án 1 đã thể hiện rõ tính đột phá, vượt rào, vượt qua những quy định của cơ chế, chính sách hiện hành và phù hợp với quy định của Hiến pháp. Quy định của dự thảo Luật cũng cho thấy, chúng ta có đầy đủ cơ chế để kiểm soát quyền lực, kiểm tra, giám sát ở nội bộ các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Quan trọng hơn, mọi việc thành hay bại là do cán bộ tốt hay xấu. Nếu có cơ chế lựa chọn Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt công khai, minh bạch, chọn được người có tâm, có tầm, thì sự thành công của mô hình chính quyền địa phương theo phương án 1 sẽ được khẳng định.
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp
Chưa đồng tình với phương án 1, một số ĐBQH khác dứt khoát: Tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải gồm có HĐND và UBND như phương án 2 do Chính phủ trình. Tổ chức theo phương án 1 là không phù hợp với Hiến pháp, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh.
Dẫn quy định của Hiến pháp, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phân tích: Điều 111, Hiến pháp 2013 đã quy định rõ: Cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Quy định tại Điều 111 cũng cụ thể hóa một nguyên tắc rất quan trọng tại Điều 6, Hiến pháp về tổ chức quyền lực nhà nước, đó là nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua QH, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
Hiến pháp đã đặt ra vấn đề tổ chức HĐND và UBND ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải phù hợp với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cách xử lý là chúng ta có thể có những cách thức mới như, HĐND chỉ được giao một số nhiệm vụ, đơn cử là chỉ tập trung cho hoạt động giám sát, quyết định về quy hoạch dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách, giám sát UBND. Thực hiện giảm thẩm quyền của UBND và tập trung quyền lực cho Chủ tịch UBND, từ đó có bộ máy gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Thêm nữa, theo ĐB Nguyễn Trường Giang, khi tiến hành tổng kết thí điểm việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường, chúng ta đã khẳng định nguyên tắc: Ở đâu có chính quyền địa phương ở đó phải có HĐND và UBND. Quan điểm này đã một lần nữa được khẳng định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vậy lý gì mà ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lại không có HĐND?
Đại diện cho những địa phương có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) và Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đề nghị vẫn nên lựa chọn phương án 1.
Phân tích kỹ hơn về việc tuân thủ Hiến pháp, ĐB Lê Xuân Thân chỉ rõ, Điều 110 Hiến pháp 2013 có quy định, nước chia thành tỉnh, tỉnh chia thành huyện, huyện chia thành xã và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do QH thành lập. Như vậy, trong các đơn vị hành chính của nước ta, có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Điều 111 Hiến pháp quy định chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Và cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.
Sự khác biệt ở đây là cấp chính quyền địa phương. Chính quyền ở nước ta gồm 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Còn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không nằm trong cấp chính quyền địa phương. “Chúng ta phải xem xét kỹ các quy định của Hiến pháp. Nếu còn cách hiểu khác nhau thì UBTVQH cần thực hiện quyền giải thích về Hiến pháp, pháp luật để phân biệt rõ sự khác nhau giữa chính quyền địa phương và cấp chính quyền địa phương”, ĐB Lê Xuân Thân kiến nghị.
Do còn khá nhiều quan điểm khác nhau, kết luận về dự án Luật này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, tới đây sẽ tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để thảo luận kỹ lưỡng hơn về dự án Luật này, trước khi trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm.
Sự thận trọng này là cần thiết, nhất là với những thử nghiệm đổi mới và cơ chế đặc thù, vượt trội với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG: Bảo đảm các yêu cầu vượt trội so với quy định hiện hành
Về chính sách phát triển KT-XH và các quy định đặc thù đối với từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, dự thảo Luật đã bảo đảm các yêu cầu vượt trội so với các quy định áp dụng đối với các khu trong nước như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao theo quy định hiện hành hiện nay, bảo đảm cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới.
Cụ thể xét trên 9 tiêu chí khác nhau thì quy định tại dự thảo Luật hầu hết bằng ưu đãi hoặc cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Myanmar. Chúng ta chỉ duy nhất kém thuận lợi hơn là về chính sách thuế - ở đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do ở các nước không có thuế.
Các chính sách ưu đãi đã tập trung thu hút vào các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng và có tính cạnh tranh cao. Bảo đảm không ưu đãi dàn trải và chỉ tập trung vào các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để hạn chế cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các đơn vị này với nhau cũng như giữa đơn vị này với các khu hiện có trong nước. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi, dự thảo Luật đã quy định các yêu cầu cao hơn đối với các dự án đầu tư vào các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt về công nghệ, nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, quản trị doanh nghiệp, chất lượng công trình và dịch vụ… Phải đáp ứng yêu cầu cao hơn mới được hưởng các ưu đãi này.