Thận trọng với tăng lạm phát trong dài hạn

Theo daibieunhandan.vn

Báo cáo Kinh tế quý I của nhiều cơ quan nghiên cứu đều cho thấy lạm phát đang trên đà tăng và có dấu hiệu tăng cao vào cuối năm nay. Đã có những cảnh báo về vấn đề này cùng với tăng trưởng kinh tế suy giảm trong quý đầu năm cho thấy những dấu hiệu bất thường. Thâm hụt ngân sách lớn, khi thu không đủ chi và áp lực trả nợ công… sẽ đẩy lạm phát tăng cao, dự báo ở mức 4 - 5%. Nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, nếu lạm phát tăng cao ở mức 4 - 5% sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ lý giải, lạm phát quý I có tăng nhưng không đáng ngại. Bởi, lạm phát tăng chủ yếu là do yếu tố giá, do điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế, giáo dục, lại rơi vào thời điểm có tháng Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao; chứ không do yếu tố lạm phát cơ bản như in tiền hay tăng cung tín dụng ra thị trường nhưng không hiệu quả. Nếu lạm phát tăng 3 - 4% không đáng quan ngại nếu kinh tế tăng trưởng trên 5 - 6%.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cần tính toán thận trọng cho những năm tiếp theo chứ không chỉ riêng năm nay. Bởi 2016 là năm nhiều khó khăn và phải cố gắng giữ mức tăng trưởng cần thiết. Nói cách khác, phải bảo đảm được những nhu cầu chi trả tối thiểu của nền kinh tế như ngân sách, việc làm, an sinh xã hội. Đồng quan điểm lạm phát tăng do giá, và không nằm ngoài quy luật của quý đầu năm, điều làm không ít chuyên gia lo ngại nhất của vấn đề lạm phát là thâm hụt ngân sách. Để bù đắp khoản ngân sách thâm hụt, cần sử dụng các công cụ truyền thống.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Trần Kim Chung lưu ý, cách tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn chưa tính đến trong rổ hàng hóa tính CPI nhiều loại hàng hóa thiết yếu, quan trọng hoặc có tác động lớn đến CPI. Đơn cử như bản chất của thị trường bất động sản là “van xả” của lạm phát nhưng lại không có trong rổ tính CPI. Do đó, việc tính toán lạm phát mới chỉ dừng ở mức độ tương đối, chưa phản ánh đầy đủ những tác động của hàng hóa, thị trường.

Sau khi phân tích các yếu tố làm tăng lạm phát, TS. Trần Kim Chung cho rằng, cần lưu ý nghiên cứu kỹ lưỡng các tác động làm tăng giá, dẫn đến tăng lạm phát. Nguyên nhân do sản xuất khó khăn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung hàng hóa khiến giá cả tăng? Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp khó khăn về sản xuất dẫn đến đình trệ, phá sản, đã có hơn 20 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Mặt khác, điều này còn liên quan đến chính sách tiền tệ, liệu có hay không nguồn cung tiền khó khăn trong bối cảnh hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục công tác rà soát, tái cơ cấu? Theo đó, để kiểm soát lạm phát phải đi cùng với việc điều hành chính sách tiền tệ, phải thúc đẩy tăng cung hàng hóa, ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng GDP trên 6% theo đúng các chỉ tiêu đã đề ra.

Trong đó, giảm chi ngân sách là yếu tố đóng góp kiểm soát lạm phát hiệu quả như các khoản chi thường xuyên, chi tiêu dùng đã được tính toán từ trước. Danh mục chi không thay đổi nhưng cần bảo đảm thu được mới chi, bởi nếu không tính toán thận trọng chi trước sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, cần tăng cường, tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất; đặc biệt là khu vực doanh nghiệp và sản xuất nông nghiệp là cơ sở để tăng nguồn cung, giúp ổn định, giảm giá - giảm áp lực lạm phát.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, bảo đảm ổn định thị trường tài chính - tiền tệ. Đây chính là nghệ thuật điều hành của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.